Số hiệu
|
01/2007/KDTM-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm số:01/2007/KDTM-GĐT ngày 13 tháng 3 năm 2007 về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng
|
Ngày ban hành
|
13/03/2007
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Kinh tế
|
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
TÒA KINH TẾ
------------------
Quyết định giám đốc thẩm
Số:01/2007/KDTM-GĐT
Ngày 13 tháng 3 năm 2007
V/v: tranh chấp hợp đồng
tín dụng.
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------------------------
|
NHÂN DANH
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TÒA KINH TẾ
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI
Với thành phần Hội đồng giám đốc thẩm gồm có:
Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Bùi Duy Tiến;
Các Thẩm phán: Bà Bùi Thị Hải;
Ông Nguyễn Ngọc Vân.
Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Bà Ngô Thị Kim Hoa, Thẩm tra viên Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia phiên tòa: Ông Nguyễn Thượng Hải-Kiểm sát viên.
Họp phiên tòa ngày 13 tháng 3 năm 2007, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao để giám đốc thẩm vụ án kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty tài chính dầu khí;
Trụ sở tại: Số 99Bis Sương Nguyệt Ánh, phường Bến Thành, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh;
Bị đơn: Công ty xuất nhập khẩu ngành in
Trụ sở tại: 67 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội,
Trụ sở chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh: Số 95-97 Sư Vạn Hạnh, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Do có Quyết định kháng nghị số01/2007/KT-TK ngày 18/01/2007 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
NHẬN THẤY
Ngày 09/6/2004, bằng văn bản số284/CV-PVFC-10 (BL.122), Công ty Tài chính dầu khí đã khởi kiện vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng tín dụng ra Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu xử buộc Công ty xuất nhập khẩu ngành in phải thanh toán cả gốc và lãi của hai hợp đồng tín dụng số97/2003/HĐTD-PVFC-10 ngày 20/10/2003 và số144/2004/HĐTD-PVFC-10 ngày 08/01/2004 với tổng số tiền là 10.219.433.333 VND.
Biết được thông tin Công ty cổ phần Vĩnh Tiến đang nợ Công ty xuất nhập khẩu ngành in số tiền là 6.323.590.000 đồng, sau khi trao đổi với Công ty cổ phần Vĩnh Tiến và nhận được văn bản số 10/VT ngày 04/6/2004 (BL.80) của Công ty cổ phần Vĩnh Tiến (xác nhận nợ và hứa hẹn việc có thể chuyển trả thẳng cho Công ty Tài chính dầu khí ), ngày 12/7/2004 Công ty Tài chính dầu khí đã gửi văn bản số 333/CV/PVFC-10 (BL.94), yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Kê biên khoản nợ phải thu trên của Công ty xuất nhập khẩu ngành in, yêu cầu Công ty cổ phần Vĩnh Tiến chuyển khoản nợ này vào một tài khoản trung gian để bảo đảm thi hành án cho Công ty Tài chính dầu khí sau này.
Sau khi nhận được văn bản yêu cầu của Công ty Tài chính dầu khí và các văn bản xác nhận nợ của Công ty cổ phần Vĩnh Tiến, ngày 27/7/2004 Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT (BL.132) với nội dung chính như sau: “Kê biên số tiền 6.323.590.000 đồng là nợ phải thu từ Công ty cổ phần Vĩnh Tiến .
Công ty cổ phần Vĩnh Tiến có trách nhiệm chuyển số tiền nói trên vào tài khoản số 921.90.00.0000.9 của Phòng Thi hành án thành phố Hồ Chí Minh tại Kho bạc nhà nước thành phố Hồ Chí Minh”.
Ngày 07/9/2004, Công ty Tài chính dầu khí và Công ty xuất nhập khẩu ngành in đã hòa giải được với nhau, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã lập được biên bản hòa giải thành (BL.131) và ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số228/CNTT-KTST ngày 07/9/2004 (BL.133) với nội dung như sau:
“1. Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự với nhau:
Xác nhận dư nợ của các hợp đồng tín dụng tạm tính đến ngày 07/9/2004, cụ thể như sau:
a. Hợp đồng tín dụng số số97/2003/HĐTD-PVFC-10 ký ngày 20/10/2003
- Vốn vay chưa hoàn trả 5.000.000.000 đồng
- Lãi chưa thanh toán 274.600.000 đồng
b. Hợp đồng tín dụng số144/2004/HĐTD-PVFC-10 ký ngày 08/01/2004 – Vốn vay chưa hoàn trả 5.000.000.000 đồng
- Lãi chưa thanh toán 261.725.000 đồng
Công ty xuất nhập khẩu ngành in xác nhận trách nhiệm thanh toán cho Công ty Tài chính dầu khí số tiền 10.536.325.000 đồng nói trên và số tiền lãi tiếp tục phát sinh tính trên số nợ gốc chưa hoàn trả theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng nhà nước quy định theo từng thời điểm, tính từ ngày 08/9/2004 cho đến khi thi hành án xong.
Nếu Công ty xuất nhập khẩu ngành in không thanh toán nợ, thì chấp nhận chịu biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
2. Về án phí:
Án phí là 18.768.000 đồng do Công ty Tài chính dầu khí chịu, được cấn trừ vào tạm ứng án phí 18.609.000 đồng đã nộp theo biên lai thu tiền số 004299 ngày 18/6/2004 của Phòng thi hành án TP.HCM. Công ty còn phải nộp 159.000 đồng.
3. Duy trì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời:
Tiếp tục duy trì việc thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo việc thi hành án”.
Khiếu nại giám đốc thẩm:
- Ngày 06/3/2005, Công ty cổ phần Vĩnh Tiến có đơn khiếu nại giám đốc thẩm với những nội dung như sau:
+ Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi xác định nghĩa vụ trả nợ thay của Công ty cổ phần Vĩnh Tiến nhưng lại không đưa Công ty cổ phần Vĩnh Tiến vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, không gửi các quyết định của Tòa mà Công ty cổ phần Vĩnh Tiến phải tiến hành cho Công ty cổ phần Vĩnh Tiến .
+ Về nội dung: Chưa có thỏa thuận giữa Công ty xuất nhập khẩu ngành in và Công ty cổ phần Vĩnh Tiến về việc Công ty xuất nhập khẩu ngành in chuyển giao nghĩa vụ trả tiền cho Công ty Tài chính dầu khí sang cho Công ty cổ phần Vĩnh Tiến trả nợ thay. Vì vậy, bằng công văn số 46/XNI ngày 28/10/2004, Công ty xuất nhập khẩu ngành in vẫn tiếp tục đòi Công ty cổ phần Vĩnh Tiến trả nợ trực tiếp cho mình.
+ Yêu cầu:
1. Hủy Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ;
2. Hủy mục “3. Duy trì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Tiếp tục duy trì việc thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo việc thi hành án” trong Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số228/CNTT-KTST ngày 07/9/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh .
- Ngày 16/3/2006, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có công văn số681/GĐT-DS (BL.153) đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm một phần đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số228/CNTT-KTST ngày 07/9/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (phần liên quan đến Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ) với lý do: Quan hệ nợ nần giữa Công ty xuất nhập khẩu ngành in với Công ty cổ phần Vĩnh Tiến độc lập với quan hệ tín dụng giữa Công ty Tài chính dầu khí với Công ty xuất nhập khẩu ngành in. Giữa ba đơn vị này chưa có thỏa thuận chuyển giao nghĩa vụ trả tiền.
Kháng nghị giám đốc thẩm:
Ngày 18/01/2007, bằng Quyết định số01/2007/KT-TK, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số228/CNTT-KTST ngày 07/9/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh , yêu cầu Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy mục “3. Duy trì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Tiếp tục duy trì việc thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo việc thi hành án” của Quyết định số228/CNTT-KTST ngày 07/9/2004 nêu trên, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật với lý do: Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Công ty cổ phần Vĩnh Tiến vào tham gia tố tụng nhưng lại ra quyết định ảnh hưởng đến quyền lợi của Công ty cổ phần Vĩnh Tiến là không đúng quy định của pháp luật.
Tại bản Kết luận số04/KLGĐT-KDTM ngày 05/02/2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đề nghị Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy mục 3 của Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nêu trên: “3. Duy trì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Tiếp tục duy trì việc thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo việc thi hành án”, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.
XÉT THẤY
1. Về thời hạn kháng nghị:
- Tại thời điểm Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số228/CNTT-KTST ngày 07/9/2004, việc giải quyết các tranh chấp về hợp đồng kinh tế của Tòa án phải tuân theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế (BLTTDS được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004, được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 24/6/2004, có hiệu lực pháp luật từ ngày 01/01/2005).
Theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, “Khi các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và quyết định này có hiệu lực pháp luật”, vì vậy, Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số228/CNTT-KTST ngày 07/9/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có hiệu lực từ ngày 07/9/2004.
- Theo quy định tại điểm b phần 4 Nghị quyết số 32/2004/QH11 ngày 15/6/2004 của Quốc hội (về việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự), “Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động có hiệu lực pháp luật sau ngày Bộ luật tố tụng dân sự được công bố thì áp dụng theo quy định tại Điefu 288 và Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự”. Vì vậy, thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số228/CNTT-KTST ngày 07/9/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phải tuân theo quy định tại Điều 288 BLTTDS.
Theo quy định tại Điều 288 BLTTDS thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Quyết định kháng nghị số01/2007/KT-TK ngày 18/01/2007 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao được thực hiện trong thời hạn luật định, nên có hiệu lực pháp luật. Quan điểm của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tại công văn số681/GĐT-DS ngày 16/3/2006 cho rằng đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là không đúng với các quy định của pháp luật đã dấn chiếu trên.
2. Về đương sự của vụ án:
Tòa án cấp sơ thẩm ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004 và Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số228/CNTT-KTST ngày 07/9/2004, buộc Công ty cổ phần Vĩnh Tiến phải chuyển 6.323.590.000 đồng vào tài khoản của cơ quan thi hành án theo yêu cầu của nguyên đơn - Công ty Tài chính dầu khí nhưng lại không đưa Công ty cổ phần Vĩnh Tiến vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (Điều 20, 21 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế), tước của Công ty cổ phần Vĩnh Tiến quyền được tham gia tranh tụng để tự bảo vệ mình.
Do không đưa Công ty cổ phần Vĩnh Tiến vào tham gia tố tụng (không phải là đương sự của vụ án), nên mặc dù là người phải thi hành các quyết định nói trên nhưng Công ty cổ phần Vĩnh Tiến cũng không được Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cấp, tống đạt hoặc thông báo các quyết định này, không biết có các quyết định này để thực hiện quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Chỉ đến khi nhận được các quyết định của cơ quan thi hành án, Công ty cổ phần Vĩnh Tiến mới biết đến các quyết định nói trên của Tòa án cấp sơ thẩm.
3. Về yêu cầu của Công ty cổ phần Vĩnh Tiến – “Hủy Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ”:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế (có hiệu lực pháp luật tại thời điểm ra Quyết định số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004) cũng như tại Điều 124, 125 BLTTDS và hướng dẫn tại mục 11, 12 của Nghị quyết số02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, chỉ riêng Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mới có thẩm quyền xem xét, giải quyết khiếu nại của Công ty cổ phần Vĩnh Tiến về Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004. Vì vậy, Tòa án cấp giám đốc thẩm không giải quyết được yêu cầu này của Công ty cổ phần Vĩnh Tiến . Theo hướng dẫn tại tiểu mục 12.1 mục 12 của Nghị quyết số02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, sau khi Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thụ lý lại vụ án này, Công ty cổ phần Vĩnh Tiến có quyền đưa đơn yêu cầu hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng tại Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004 để được Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Từ những nhận định trên,
Căn cứ vào khoản 2 Điều 291; khoản 3 Điều 297; khoản 3 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,
HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỐC THẨM
QUYẾT ĐỊNH
Chấp nhận yêu cầu kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao,
Hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số228/CNTT-KTST ngày 07/9/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phần:
“3. Duy trì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Tiếp tục duy trì việc thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo việc thi hành án”.
Giao hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết sơ thẩm lại phần bị hủy theo đúng quy định của pháp luật.
Các nội dung khác của Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số216/BPTT-KT ngày 27/7/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có hiệu lực pháp luật.
Quyết định này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ban hành.
CÁC THẨM PHÁN
Bùi Thị Hải Nguyễn Ngọc Vân
(Đã ký) (Đã ký)
THẨM PHÁN-CHỦ TỌA PHIÊN TÒA
Bùi Huy Tiến
(Đã ký)