Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế vừa ban hành Quyết định 18/QĐ-TCT ngày 12/01/2023 về việc ban hành Quy trình áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
Theo đó, Quy trình này hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong các lĩnh vực quản lý thuế quy định tại Điều 13 Thông tư 31/2021/TT-BTC gồm 10 rủi ro sau:
(1) Quản lý tuân thủ pháp luật thuế;
(2) Quản lý rủi ro về đăng ký thuế;
(3) Quản lý rủi ro trong kiểm tra hồ sơ thuế tại trụ sở của cơ quan thuế;
(4) Quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế;
(5) Quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế;
(6) Quản lý rủi ro trong quản lý nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;
(7) Quản lý rủi ro trong quản lý hóa đơn, chứng từ;
(8) Quản lý rủi ro đối với người nộp thuế thuộc trường hợp kiểm soát, giám sát trọng điểm;
(9) Quản lý rủi ro đối với người nộp thuế là cá nhân;
(10) Áp dụng quản lý rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ khác trong quản lý thuế.
Thu thập, xử lý thông tin về quản lý rủi ro
Việc thu thập thông tin, xử lý thông tin, kiểm duyệt và lưu trữ thông tin được quy định cụ thể trong Quy trình thu thập, khai thác thông tin phục vụ quản lý rủi ro với các nội dung chủ yêu sau:
* Thu thập thông tin quản lý rủi ro.
- Thông tin quản lý rủi ro được thu thập đầy đủ, chính xác, kịp thời từ các hệ thống thông tin của cơ quan thuế, thông tin do các đơn vị, công chức thuế thu thập trong quá trình thực hiện quản lý thuế và từ việc thực hiện trao đổi, mua thông tin với các cơ quan, tổ chức khác.
- Thông tin quản lý rủi ro sau khi thu thập được đưa vào cơ sở dữ liệu phân tích rủi ro, đảm bảo nguyên tắc tin cậy, an toàn, bảo mật thông tin theo quy định.
* Quản lý thông tin thu thập và sử dụng trong phân tích rủi ro.
- Đối với thông tin thu thập trong cơ quan quản lý thuế.
- Thông tin thu thập theo Quy chế trao đổi thông tin với cơ quan khác.
- Đổi với thông tin nhận theo đường công văn: Bộ phận được giao thu thập thông tin tiếp nhận thông tin thực hiện phân tích, nhập các thông tin theo yêu cầu vào hệ thống lưu trữ thông tin.
- Đánh giá, điều chỉnh dữ liệu.
- Bổ sung thông tin thu thập.
Phân đoạn người nộp thuế
Trước khi thực hiện xây dựng bộ chỉ số tiêu chí, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế và áp dụng các biện pháp quản lý thuế, cơ quan thuế thực hiện phân đoạn người nộp thuế.
* Các phương án phân đoạn người nộp thuế.
- Phân đoạn theo đối tượng: người nộp thuế là cá nhân; người nộp thuế là doanh nghiệp; người nộp thuế là tổ chức khác.
- Phân đoạn theo quy mô người nộp thuế (lớn, vừa, nhỏ) được xác định bằng: doanh thu hoặc tổng thu nhập; quy mô vốn, tài sản; số tiền nộp ngân sách nhà nước; lợi nhuận kế toán trước thuế; số lượng người lao động tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể từng thời kỳ, địa bàn hoạt động.
- Phân đoạn theo ngành kinh tế ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg năm 2018 hoặc theo quy định hiện hành.
- Phân đoạn theo loại hình doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.
- Phân đoạn theo địa bàn hoạt động sản xuất kinh doanh (theo phân cấp hành chính).
- Phân đoạn theo khu vực kinh tế: khu vực kinh tế có vốn nhà nước, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (tư nhân).
- Phân đoạn theo tiêu chí khác phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý thuế.
* Thực hiện phân đoạn người nộp thuế.
Ban Quản lý rủi ro đề xuất trình Tổng cục Thuế phương án phân đoạn người nộp thuế phù hợp với việc đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế, xây dựng kế hoạch nâng cao tuân thủ pháp luật thuế.
Cơ quan thuế các cấp sử dụng phân đoạn người nộp thuế trong việc thực hiện các biện pháp xử lý đối với các mức độ tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro người nộp thuế.
Cục Công nghệ thông tin phối hợp với Ban Quản lý rủi ro thực hiện thiết lập, cập nhật phương án nhóm phân đoạn người nộp thuế trên ứng dụng phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro.