Đứng trên phương diện pháp luật Việt Nam (thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam - có vốn hoặc không có vốn nước ngoài):
Đối chiếu quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020:
"Điều 34. Tài sản góp vốn
1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật".
Mà quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng (khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2009).
Theo đó, quyền sở hữu trí tuệ là một loại tài sản và có thể được dùng để góp vốn, tuy nhiên cần phải đảm bảo đáp ứng một số điều kiện:
- Quyền sở hữu trí tuệ phải có Giấy tờ xác nhận quyền sở hữu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
- Quyền sở hữu trí tuệ phải do chủ sở hữu (người đứng tên trên văn bằng bảo hộ hoặc người được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ xác nhận quyền sở hữu trí tuệ) góp vốn.
Lưu ý: Liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tùy nước mà nhà đầu tư nước ngoài có quốc tịch) mà tài sản này có thể còn có những giới hạn đặc trưng riêng nữa đó chị nhé.
Nếu thành lập doanh nghiệp nước ngoài (thành lập ở ngoài Việt Nam, do đó pháp luật Việt Nam sẽ không điều chỉnh) => sẽ phụ thuộc vào quy định pháp luật của nước sở tại chị nhé. Mỗi đất nước đều có quy định riêng về tài sản góp vốn này đó ạ.