Quyền riêng tư và văn hóa Việt

Chủ đề   RSS   
  • #583915 03/05/2022

    TRUTH
    Top 10
    Male
    Cao Đẳng

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:03/05/2013
    Tổng số bài viết (4694)
    Số điểm: 35125
    Cảm ơn: 673
    Được cảm ơn 1184 lần


    Quyền riêng tư và văn hóa Việt

    Từ cá nhân chủ nghĩa đến quyền riêng tư trong tư tưởng phương Tây
     
    Không rõ thuật ngữ “riêng tư” (privacy) xuất hiện khi nào, nhưng nhiều khả năng nó có nguồn gốc từ phương Tây. Người phương Tây thường hình dung riêng tư dưới dạng thực hành khách quan, gắn với hình tượng cá thể một mình, khép kín, giữa bốn bề phong tỏa. Trong một tiểu luận nổi tiếng, Braindeis và Warrens cho rằng riêng tư là nguyên tắc nhằm bảo vệ những gì cá nhân viết ra, hoặc những gì là sản phẩm của trí tuệ và xúc cảm, khỏi sự công bố với bên ngoài. Theo họ, riêng tư là quyền của một người được “để yên” (to be let alone).
     
    Sự riêng tư có nguồn gốc sâu xa từ chủ nghĩa cá nhân, vốn là một đặc trưng của nền văn hóa phương Tây. Bảo vệ sự toàn vẹn của nhân cách và bản thể cũng quan trọng như bảo vệ cơ thể vật lý bên ngoài. Trong trào lưu giải phóng con người, người phương Tây ngày càng mất niềm tin vào các định chế công. Họ đặc biệt sợ hãi về một xã hội nơi chính quyền biết hết mọi thứ về cá nhân qua các hồ sơ lưu trữ, qua hệ thống giám sát chặt chẽ và các cơ quan thực thi pháp luật mang tính kiểm soát tư tưởng như được mô tả trong các tác phẩm nghệ thuật giả tưởng từ Kafka, Zamyatin và Orwell. Trước nhu cầu đó, đối với người phương Tây, quyền riêng tư là quyền tự mình bảo vệ, nhờ pháp luật bảo vệ, hoặc cấm kẻ khác không được xâm phạm đến những không gian, những vật thể, những thông tin mà mình muốn giữ kín. Đối tượng được bảo vệ của quyền riêng tư hoàn toàn được quyết định bởi ý chí cá nhân, thể hiện quyền tự chủ của cá nhân trong những vấn đề thuộc đời sống của mình. Như một hệ quả, quy phạm hóa quyền riêng tư thành luật là sản phẩm tất yếu của chủ nghĩa cá nhân phương Tây.
     
    Văn hóa Việt có quyền riêng tư?
     
    Không thể tìm thấy thuật ngữ “riêng tư” trong kinh điển phương Đông xưa. Trong bầu khí quyển Á Đông xưa, chữ “tư” có ý nghĩa gắn liền với chữ “tôi”. Trong tiếng Việt, “tôi” vốn là một đại từ mang tính nhún nhường, khiêm cung, gắn liền với vị thế thấp hơn trong xã hội. Các tư tưởng chính trị, xã hội truyền thống ở khu vực Đông Á đều nhấn mạnh sự rút lui của cái tôi cá nhân khỏi cộng đồng, nhường bước trước những lợi ích lớn lao hơn của tập thể. Phật giáo, hướng tới một xã hội đại đồng, yêu sách mỗi cá nhân phải ẩn đi cái tự ngã, tu thân dưỡng tính, hướng về cõi không5. Các nhà nho học lỗi lạc nhất trong lịch sử Á Đông đều đề cao tinh thần “vô tư”, tu thân, giữ nghĩa, dùng đạo lý tự răn mình để làm tròn vai vế trong một xã hội tôn ti. Như vậy, bị đặt trong thế đối lập với chủ nghĩa tập thể, cá nhân không có vị trí gì đáng kể trong xã hội truyền thống phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Đi xa hơn, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên thậm chí nhấn mạnh rằng, trong xã hội Việt Nam, “l’individu n’est rien” (tạm dịch: cá nhân không là gì cả).
     
    Đơn vị cơ bản trong xã hội Việt Nam truyền thống không phải là cá nhân, mà là gia đình. Nhà văn hóa Đào Duy Anh từng khẳng định: “…địa vị gia đình ở trong xã hội là tối trọng, mà cá nhân chỉ là những phần tử vô danh ở trong gia đình thôi. Cái kết quả rõ ràng của chế độ ấy là khiến cá tính của người ta không thể nào phát triển ở trong phạm vi gia đình được”. Đối với người Việt Nam trong xã hội phong kiến, “quyền” không phải là “tự do làm những gì luật không cấm” mà là “làm những gì được cho phép làm”. Chữ “quyền” có khi gần gũi với “quyền uy” hơn trong tâm thức người phương Đông. Vua có quyền hơn tôi, cha có quyền hơn con, chồng có quyền hơn vợ. Mỗi cá nhân đều phục tùng trước sự sắp đặt của tôn ti, trật tư, nhún nhường trước quyền uy của người gia trưởng.
     
    Đến lượt mình, bản thân mỗi gia đình cũng chủ động chôn vùi những tâm tư ý nhị của các thành viên, chỉ tiết lộ với người ngoài về những công trạng làm rạng danh gia tộc – “tốt khoe, xấu che”. Vị tôn phu tôn phu là cái “nóc” che đậy và đại diện cho bộ mặt của cả ngôi nhà và cũng là người đứng mũi chịu sào cho mọi hành vi của mọi người trong gia đình. Cửa nhà, một cách éo le, trở thành nơi chôn kín bí mật cá nhân. Chẳng cần vay mượn lý thuyết chế tài từ phương Tây, điều tiếng, tin đồn – thứ nghìn năm sau vẫn còn lưu giữ qua “bia miệng”, chính là sợi dây trói buộc hành vi người Việt hữu hiệu nhất. Trong văn hóa làng xã xưa, tiếng xấu đồn xa là điều cám cảnh tâm thức và ràng buộc hành vi người Việt. Trong không gian gò bó của mái đình cây đa, bên ngoài gia môn, người ta biết đi về đâu để thoát khỏi miệng lưỡi thiên hạ?
     
    Người Việt Nam không thể hiểu được quy phạm về quyền riêng tư, thứ vốn gắn liền với chủ nghĩa cá nhân kiểu phương Tây. “Ẩn Tư”, thuật ngữ chỉ quyền riêng tư trong Hoa ngữ hiện đại, có gốc gác gần nghĩa với y phục, ám chỉ việc che đậy những bộ phận nhạy cảm để khỏi làm ô uế văn hóa xã hội9. Trong bầu khí quyển bao trùm của bổn phận, những khao khát manh mún tầm thường của cái tôi càng không hòa được vào tiếng nói chung về bổn phận với gia đình, với làng, với nước. Nam nữ tư tình, buồn vui ý nhị, “sầu riêng”, thì cũng đến lúc phải “hóa vui chung trăm nhà”10. Đó là sự lùi bước của riêng tư cá nhân trước những đại tự sự của tập thể.
     
    Tiếp biến và chuyển hóa quy phạm xã hội về riêng tư
     
    Với những thế hệ đi trước, quyền riêng tư vẫn là thứ gì đó xa xỉ và không đáng kể. Tuy nhiên, đến thế hệ trẻ, đặc biệt từ thế hệ sinh sau năm 1995, quan niệm về cá nhân và quyền riêng tư bắt đầu thay đổi. Tường ngăn, vách chắn, then cài… là những thứ dường như trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống thường ngày. Ngày nay, người Việt Nam (trẻ) đã có những cách hiểu rất khác về sự riêng tư. Họ chủ động phô bày hình ảnh đẹp của chính mình trên mạng xã hội vì họ hiểu được ranh giới giữa riêng tư và hình tượng bản thân trong mắt người khác.Thế hệ trẻ cũng ngày càng ít chia sẻ tâm tư, bí mật với bố mẹ hơn, dù họ chẳng ngần ngại tiết lộ một vài bí mật trên các diễn đàn công khai. Không cần tuyên truyền phổ biến, một hai thế hệ nay mai, con trẻ Việt sẽ biết chủ động giấu kín bí mật đời tư của mình vào cỗ máy thông minh trên tay và không cho bố mẹ động vào.
     
    Từ chỗ giấu nhẹm như một nỗi hổ thẹn và là nỗi ám ảnh khi bí mật đời tư cá nhân bị soi mói, ngày nay người Việt dần biết chủ động chống lại sự nhòm ngó của người khác, thậm chí, người ta còn biết cách đánh bóng hình ảnh của mình trước công chúng qua việc tiết lộ những thông tin về đời tư với chủ đích xây dựng thương hiệu bản thân. Từ cảm thức bổn phận, giờ đây người Việt hiểu riêng tư như là tự do, tự chủ làm (hoặc không làm) việc dựng rào, xây vách, cách trở mình ra khỏi mọi người xung quanh; đồng thời yêu sách bổn phận tôn trọng từ những người đứng ngoài bức vách ấy. Cách hiểu của người phương Tây về sự riêng tư gắn với quyền, khẳng định tính tự chủ và tính bản thể của chủ thể, đã loay hoay đâm chồi trong tâm thức người Việt Nam hiện đại.
     
    quyen-rieng-tu
     
    Quyền riêng tư trong bối cảnh văn hóa pháp lý Việt Nam đương đại
     

    Trong hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam, chưa thể tìm thấy một định nghĩa trực tiếp về quyền riêng tư. Cơ sở pháp lí gần nhất với quyền riêng tư là “Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” ở điều 38, Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”, “Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác”. Có thể suy ra rằng thiệt hại đối với quyền riêng tư xảy ra khi thông tin riêng tư bị thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai trái với ý muốn của chủ thể thông tin đó. Tuy nhiên, trong một số bối cảnh, nếu việc tiết lộ các thông tin về cá nhân không gây điều tiếng xấu, mà ngược lại, mang lại thanh danh cho cá nhân, gia đình, thì người Việt Nam chưa chắc đã thấy có cái gì của mình bị xâm phạm.

    Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy rất khó để xác định thiệt hại gây ra đối với quyền riêng tư14. Nhìn từ góc độ quy phạm, dường như người Việt Nam vẫn chưa thể phân biệt rạch ròi giữa thông tin “tốt-xấu” liên quan đến danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân với thông tin “đời tư” và “bí mật” của cá nhân. Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Điện cho rằng:“nếu việc xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình dẫn đến những tổn thương đối với danh dự, nhân phẩm, uy tín, thì có thể áp dụng các quy định liên quan để quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nhưng nếu việc xâm phạm đời tư không làm tổn thương những giá trị đó, thì việc bảo vệ lại có vẻ mờ mịt”. Suy cho cùng, người Việt Nam ngày nay, với nhiều nghìn năm văn hiến, vẫn chưa thể tách hẳn tri nhận về quyền riêng tư ra khỏi tri nhận về danh dự, về nỗi sợ điều tiếng, nỗi sợ đánh mất uy tín trong các quan hệ xã hội, nỗi sợ làm ô nhục cái danh gia đình.
     
    Bước chân vào thế giới lạ lẫm của điện toán, quyền riêng tư một lần nữa đứng trước nhu cầu tái định nghĩa. Vài năm qua, dường như nhà làm luật Việt Nam có xu hướng cho rằng “bảo vệ dữ liệu trên môi trường mạng” chính là “bảo vệ đời sống riêng tư”. Quy định tại Điều 4, khoản 3 Luật an toàn thông tin mạng minh họa rõ rệt niềm tin này.
     
    Vì sao người làm luật ở Việt Nam bắt đầu bàn về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân như là bảo vệ quyền riêng tư? Một phần, người làm luật chịu sức ép từ việc hội nhập kinh tế và các cam kết về tạo dựng hành lang pháp lý an toàn xuyên quốc gia về chia sẻ dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong nước; mặt khác, lực lượng lao động trẻ trong xã hội đang khởi sự nhận thức về quyền riêng tư theo kiểu của phương Tây. Đứng trước sức ép đó, một số nhà nghiên cứu vội vã kết luận bảo vệ dữ liệu cá nhân là bảo vệ quyền riêng tư để hình thành diễn ngôn hợp thức hóa cho tiến trình lập pháp về quyền riêng tư.
     
    Thiết nghĩ chưa nên vội vàng đến thế. Mặc dù Việt Nam đã và đang tiếp thu nhanh chóng những học thuyết về kinh tế – chính trị – xã hội của phương Tây và chuyển mình thích nghi với những hệ giá trị mới về quy phạm luân lý và luật pháp; song những tư tưởng mới từ trời Tây chưa bao giờ đủ mạnh để xóa sổ những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam17. Như Phó giáo sư Phạm Duy Nghĩa đã đúc kết: “… thuyết âm dương ngũ hành, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, triết lý nhân quả, tình thương yêu đồng loại của đạo Phật và triết lý sống của Nho giáo đã tạo nên nền móng cho văn minh pháp lý Việt Nam. Thứ nền móng đó đã ăn sâu trong tâm thức người Việt Nam. Luật pháp nếu xung đột với những giá trị nền tảng đó sẽ không được cộng đồng người Việt Nam chấp nhận; chúng sẽ tự tiêu vong”. Luật mới cũng như một loài cây: khi gieo một giống cây xa lạ vào thổ nhưỡng Việt, hấp thụ khí hậu và địa lý Việt, có khi nó không thể sống được. Luật hóa theo hướng cấy ghép luật pháp nước ngoài không chọn lọc, người Việt đôi khi vô tình được trao cho một số quyền mà họ không cần đến, hoặc chưa nhận thức đầy đủ để sử dụng làm sao cho đúng.
     

    Hãy xem xét trường hợp quyền được lãng quên19. Đối với người phương Tây, quyền riêng tư chính là quyền được “rút lui” khỏi môi trường điện toán, được khoác một tấm áo tàng hình, không cho bất kỳ thông tin nào về mình lộ ra bên ngoài. Vì vậy, cá nhân được phép quyết định thông tin nào về mình là thông tin cần được bảo vệ, thông tin nào có thể được tiết lộ, thậm chí đến mức không cần biết lý do cho quyết định đó. Trong khi người phương Tây có thể yêu sách sự xóa bỏ toàn bộ thông tin về mình trong quá khứ khỏi kho lưu trữ của thế giới điện toán, người Việt Nam – quen thuộc với bổn phận gia đình và cộng đồng, làm sao có thể đòi hỏi một quyền riêng tư tuyệt đối đến thế. Nếu không có lộ trình làm luật khoa học, gắn liền với bối cảnh văn hóa – xã hội đặc thù, việc “cắm” quy phạm về riêng tư điện toán theo kiểu phương Tây vào môi trường văn hóa Việt Nam sẽ dẫn đến những rắc rối, phức tạp về mặt diễn giải và thực thi pháp luật.

    Muốn xây dựng quy định về bảo vệ dữ liệu, trước hết phải hiểu quyền riêng tư như một quyền gắn liền với bối cảnh Việt Nam; quyền này cần được liên tục diễn giải, thi hành, phê phán, rồi tái diễn giải. Từ đó, cần nhận thức rằng quyền riêng tư trên môi trường điện toán ở Việt Nam sở hữu những tính chất rất đặc thù. Về mặt chính sách, cần thúc đẩy nghiên cứu liên ngành văn hóa – sử học – luật học về quyền riêng tư kiểu Việt Nam, tiến đến xác định một số tiêu chí, đặc điểm của quyền riêng tư trong môi trường điện toán nước ta; sau đó mới có thể luật hóa quyền riêng tư và tiến đến xây dựng một đạo luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân của Việt Nam.
     
    Có nên xây dựng quy phạm về quyền riêng tư trên mạng hoàn toàn theo cách hiểu của phương Tây cho Việt Nam hay không là điều cần bàn thêm; cũng không nên quá hấp tấp đánh đồng giữa bảo vệ quyền riêng tư với bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường điện toán. Ở thời điểm hiện tại, có thể khẳng định một điều chắc chắn: hiểu đúng về tri nhận riêng tư trong văn hóa Việt truyền thống sẽ là trụ cột quan trọng để nghiên cứu về quyền riêng tư trong những chiều kích mới. □

    Tạp chí tia sáng

     
    634 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #583919   03/05/2022

    Quyền riêng tư và văn hóa Việt

    Cảm ơn bạn đã cso bài viết chủ đề thú vị. Cá nhân mình thì thấy quyền riêng tư ở Việt Nam được bảo mật vẫn thấp hơn phương tây nhưng đang dần có bước tiến độ. Cùng quan điểm với bạn, luật bảo vệ thông tin trên mạng đã được ban hành, nhưng vẫn còn nhiều người có hành vi xâm phạm đơn giản như những người lấy ảnh cá nhân trên fb để làm mục đích bất chính mà không hề có sự cho phép của chính chủ,... Nhiều người còn bị lấy ảnh ghép vào ảnh bị đòi nợ trong khi không hề tham gia bất kỳ khoản nợ tài chính nào. Đôi khi bạn có thể thấy bản thân trên trang web nào mà không hề biết mình đã bị đánh cắp thông tin. Sự phát triển của các biện pháp ngăn chặn những điều này là điều cần thiết cùng với đó là bản thân chúng ta tự bảo vệ bản thân trước việc xâm phạm đời riêng tư của chúng ta.

     
    Báo quản trị |  
  • #583961   09/05/2022

    linhtrang123456
    linhtrang123456
    Top 50
    Lớp 10

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:02/12/2017
    Tổng số bài viết (2031)
    Số điểm: 14871
    Cảm ơn: 11
    Được cảm ơn 322 lần


    Quyền riêng tư và văn hóa Việt

    Hiện tại mình thấy đã có Nghị quyết 27/NQ-CP năm 2022 thông qua hồ sơ xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân do Chính phủ ban hành, theo đó, trong thời gian tới thì cũng sẽ có văn bản quy định cụ thể việc bảo vệ dữ liệu cá nhân như thế nào? Trong trường hợp nào được phép sử dụng dữ liệu cá nhân của người khác mà không cần có sự đồng ý của  chủ thể dữ liệu.
     
     
    Báo quản trị |  
  • #583985   11/05/2022

    phantrungnghia99
    phantrungnghia99
    Top 200
    Lớp 3

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:27/02/2022
    Tổng số bài viết (459)
    Số điểm: 4650
    Cảm ơn: 5
    Được cảm ơn 64 lần


    Quyền riêng tư và văn hóa Việt

    Cảm ơn những chia sẻ của bạn
     
    Muốn xây dựng quy định về bảo vệ dữ liệu, trước hết phải hiểu quyền riêng tư như một quyền gắn liền với bối cảnh Việt Nam; quyền này cần được liên tục diễn giải, thi hành, phê phán, rồi tái diễn giải. Từ đó, cần nhận thức rằng quyền riêng tư trên môi trường điện toán ở Việt Nam sở hữu những tính chất rất đặc thù.
     
     
    Báo quản trị |  
  • #585157   08/06/2022

    trinh16399
    trinh16399
    Top 500
    Mầm

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:17/05/2022
    Tổng số bài viết (139)
    Số điểm: 815
    Cảm ơn: 3
    Được cảm ơn 9 lần


    Quyền riêng tư và văn hóa Việt

    Cảm ơn vì bài viết thú vị này của bạn. Có thể thấy mạng xã hội càng phát triển thì quyền riêng tư càng bị thu hẹp. cái gì cũng có thể đăng, thông tin nào cũng có thể tìm thấy. Một sự kiện nóng hỗi nào đó về một người được lan truyền thì mọi thông tin cá nhân của người đó cũng bị bới móc theo. 

     
    Báo quản trị |  
  • #587277   01/07/2022

    Quyền riêng tư và văn hóa Việt

    Cảm ơn bài viết của bạn nhé. Thật sự là có đầu tư luôn đó. Mình thấy Việt Nam mình vẫn còn lối sống "bầy đàn" và chưa thật sự tôn trọng quyền riêng tư của nhau cho lắm. Có lẽ 1 phần vì lối sống, một phần cũng từ luật pháp Việt Nam vẫn chưa qui định chặt chẽ vấn đề này.

     
    Báo quản trị |  
  • #588982   31/07/2022

    Quyền riêng tư và văn hóa Việt

    Cảm ơn bài viết của bạn. Người Việt Nam truyền thống được răn dạy phải giữ mình, khắc kỷ, để trở thành một phần tử có ích cho tập thể, cộng đồng. Tuy nhiên gần đây, khái niệm “quyền riêng tư” bị ảnh hưởng từ chủ nghĩa cá nhân phương Tây, đã bắt đầu bước chân vào Việt Nam

     
    Báo quản trị |  
  • #598202   31/01/2023

    danluan123
    danluan123
    Top 50
    Male
    Lớp 7

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:14/07/2020
    Tổng số bài viết (1195)
    Số điểm: 8720
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 96 lần


    Quyền riêng tư và văn hóa Việt

    Thực ra ở phương đông hay phương tây nhìn chung cũng vậy thôi, vấn đề về quyền riêng tư được ghi nhận trong những  văn bản pháp lý của mỗi quốc gia, đã lâu rồi họ chú trọng đến hình ảnh cá nhân của mỗi người, hơn nữa qua quá trình hội nhập thông  qua các công việc làm ăn, buôn bán càng chú trọng hơn danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân và tổ chức, nên rất dễ hiểu vấn đề kiện cáo xảy ra thường xuyên nhất là ở trên môi trường mạng.

     

     
    Báo quản trị |  
  • #601509   31/03/2023

    Quyền riêng tư và văn hóa Việt

    Cảm ơn thông tin hữu ích bạn đã chia sẻ. Bài viết đã có những bình luận rất hay về "riêng tư", giúp tôi có thêm một góc nhìn khác tránh việc đánh đồng giữa bảo vệ quyền riêng tư với bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường điện toán. Và nhận thấy, pháp luật Việt Nam cũng cần có thêm nhiều nghiên cứu về quyền riêng tư.

     
    Báo quản trị |