Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt

Chủ đề   RSS   
  • #611312 08/05/2024

    Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt

    Kết cấu hạ tầng đường sắt là công trình đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt.

    1. Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt

    Căn cứ Điều 50 Luật Đường sắt 2017 quy định kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt như sau:

    - Kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư được giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt cho doanh nghiệp để kinh doanh theo quy định.

    - Tổ chức, cá nhân sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư hoặc do tổ chức, cá nhân khác đầu tư để hoạt động kinh doanh phải trả tiền sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt.

    2. Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt

    Căn cứ Điều 51 Luật Đường sắt 2017 quy định quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt như sau:

    - Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có các quyền sau đây:

    + Được sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định;

    + Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến kết cấu hạ tầng đường sắt phải thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kết cấu hạ tầng đường sắt;

    + Xây dựng và trình duyệt giá thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư trong phạm vi được giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng;

    + Tạm đình chỉ chạy tàu khi thấy kết cấu hạ tầng đường sắt có nguy cơ mất an toàn chạy tàu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình;

    + Được bồi thường thiệt hại trong trường hợp kết cấu hạ tầng đường sắt bị hư hỏng do lỗi của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt hoặc tổ chức, cá nhân khác gây ra;

    + Được Nhà nước hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Luật Đường sắt 2017

    + Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

    - Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có các nghĩa vụ sau đây:

    + Quản lý sử dụng tài sản thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định của pháp luật;

    + Duy trì trạng thái kỹ thuật, chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt đã công bố bảo đảm giao thông đường sắt luôn an toàn, thông suốt;

    + Xây dựng, công bố công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng, biểu đồ chạy tàu trên các tuyến, đoạn tuyến, khu đoạn để làm cơ sở cho việc chạy tàu;

    + Tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt trên hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị khi được Nhà nước giao. Cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về đường sắt và khách hàng thông tin về dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt và năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt khi có yêu cầu;

    + Thông báo kịp thời sự cố đe dọa an toàn chạy tàu và việc tạm đình chỉ chạy tàu cho trực ban chạy tàu ga ở hai đầu khu gian nơi xảy ra sự cố, nhân viên điều hành giao thông vận tải đường sắt, khách hàng sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt;

    + Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và lệnh chạy tàu đặc biệt do cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;

    + Khi được Nhà nước giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng quyền khai thác mà tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt bị hư hỏng do lỗi chủ quan của mình, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt phải có trách nhiệm tự khôi phục;

    + Trả tiền sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định;

    + Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

    Trên đây là quy định về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt theo Luật Đường sắt 2017.

     
    226 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận