Chúng ta có quyền được “quên” đi quá khứ của mình trên mạng không? Quyền được lãng quên, hay còn gọi là quyền được xóa bỏ thông tin cá nhân, đang là một vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm.
(1) Quyền được lãng quên là gì?
Quyền được lãng quên là một khái niệm pháp lý cho phép cá nhân yêu cầu xóa bỏ hoặc không công khai thông tin cá nhân của họ trên internet, đặc biệt là thông tin có thể gây tổn hại đến danh tiếng hoặc quyền riêng tư của họ.
Theo đó, khái niệm này được biết đến và phát triển mạnh mẽ từ phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu (CJEU) vào năm 2014, trong đó xác định rằng cá nhân có quyền yêu cầu các công cụ tìm kiếm xóa bỏ các liên kết đến thông tin cá nhân của họ nếu thông tin đó không còn phù hợp, không chính xác hoặc không cần thiết.
Quyền này thường áp dụng trong các trường hợp như thông tin cá nhân đã lỗi thời, thông tin gây tổn hại đến danh tiếng hoặc thông tin mà cá nhân không muốn công khai.
Ví dụ, một cá nhân phát hiện rằng thông tin về họ trên một trang web là sai lệch, chẳng hạn như thông tin về quá trình học tập hoặc công việc. Họ có thể yêu cầu xóa bỏ thông tin này để bảo vệ danh tiếng của mình.
Hoặc, một người từng bị kết án nhưng đã hoàn lương và muốn bắt đầu lại cuộc sống. Họ có thể yêu cầu xóa bỏ các liên kết đến tin tức về vụ án cũ của mình trên các công cụ tìm kiếm, vì thông tin này không còn phản ánh đúng tình trạng hiện tại của họ.
Tuy nhiên, việc áp dụng quyền được lãng quên tương đối phức tạp, cá nhân cần phải gửi yêu cầu đến các công cụ tìm kiếm hoặc trang web chứa thông tin, kèm theo lý do cụ thể về việc tại sao thông tin đó nên bị xóa và các minh chứng trong trường hợp cần thiết.
Ngoài ra, quyền được lãng quên không phải là tuyệt đối; các tổ chức và công ty có thể từ chối yêu cầu nếu thông tin đó có giá trị công cộng, liên quan đến lợi ích xã hội hoặc quyền tự do ngôn luận.
Dù vậy, quyền được lãng quên cũng đã phản ánh sự cần thiết phải cân bằng giữa quyền riêng tư cá nhân và quyền tự do thông tin trong kỷ nguyên số.
Do đó, nhiều quốc gia đang xem xét hoặc đã ban hành các quy định pháp lý liên quan đến quyền được lãng quên, trong đó có GDPR (Quy định chung về bảo vệ dữ liệu) của Liên minh châu Âu.
(2) Việt nam có quyền được lãng quên không?
Hiện nay, nước ta chưa có quy định về “quyền được lãng quên”, tuy nhiên, Bộ Công an đang Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó có đề xuất về quyền được xóa dữ liệu.
Cụ thể, tại Điều 9 Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ Công an đề xuất chủ thể của dữ liệu có 11 quyền sau đây:
1- Quyền được biết
Chủ thể dữ liệu được biết về hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.
2- Quyền đồng ý
Chủ thể dữ liệu được đồng ý hoặc không đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3- Quyền truy cập
Chủ thể dữ liệu được truy cập để xem, chỉnh sửa dữ liệu cá nhân của mình sau khi đã được thu thập, trừ trường hợp luật có quy định khác.
4- Quyền rút lại sự đồng ý
Chủ thể dữ liệu được quyền rút lại sự đồng ý của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.
5- Quyền xóa dữ liệu
Chủ thể dữ liệu được xóa hoặc yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.
6- Quyền hạn chế xử lý dữ liệu
- Chủ thể dữ liệu được yêu cầu hạn chế xử lý dữ liệu cá nhân của mình khi nghi ngờ tính chính xác của dữ liệu hoặc dữ liệu không thể hạn chế xử lý dữ liệu do quy định của luật;
- Việc hạn chế xử lý dữ liệu được thực hiện trong 72 giờ sau khi có yêu cầu của chủ thể dữ liệu, với toàn bộ dữ liệu cá nhân mà Chủ thể dữ liệu yêu cầu hạn chế, trừ trường hợp luật có quy định khác.
7- Quyền cung cấp dữ liệu
Chủ thể dữ liệu được yêu cầu Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân cung cấp cho bản thân dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.
8- Quyền phản đối xử lý dữ liệu
- Chủ thể dữ liệu được phản đối Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân xử lý dữ liệu cá nhân của mình nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế tiết lộ dữ liệu cá nhân hoặc sử dụng cho mục đích quảng cáo, tiếp thị;
- Phản đối của chủ thể dữ liệu vô hiệu khi luật đã có quy định khác;
- Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện yêu cầu của Chủ thể dữ liệu trong 72 giờ sau khi nhận được yêu cầu, trừ trường hợp luật có quy định khác.
9- Quyền khiếu nại, tố cáo
Chủ thể dữ liệu có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
10- Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại
Chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi xảy ra vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
11- Quyền tự bảo vệ
Chủ thể dữ liệu có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan, theo quy định tại Luật này hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các phương thức bảo vệ quyền dân sự theo quy định tại Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015.
Có thể thấy, việc đề xuất ra các quyền như quyền được biết, quyền đồng ý, quyền rút lại đồng ý và đặc biệt là quyền xóa dữ liệu là những bước đi đầu tiên của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng.
Nhìn chung, mặc dù Việt Nam chưa có quyền được lãng quên chính thức, nhưng những bước đi đang được thực hiện của nước ta cho thấy nhà nước đang có một hướng đi tích cực trong việc bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của công dân.
Hiện nay, Bộ Công an đang tổ chức lấy ý kiến, đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
>>> Xem Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân tại đây https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/9/24/dt-luat-du-lieu-ca-nhan.docx