Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, luật sư Đào Thị Liên - Công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
1. Về quyền của cổ đông công ty:
Các cổ đông góp vốn mua cổ phần phổ thông của công ty cổ phần được gọi chung là cổ đông phổ thông, các cổ đông có quyền và nghĩa vụ bình đẳng như nhau và được quyền tham gia họp, biểu quyết thông qua các vấn đề của Đại hội đồng cổ đông theo tỷ lệ cổ phần sở hữu của mình tại doanh nghiệp.
Các cổ đông có quyền cụ thể được quy định tại Điều 79 Luật Doanh nghiệp:
a) Tham dự và phát biểu trong các Đại hội cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được uỷ quyền; mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết;
b) Được nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;
c) Được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty;
d) Được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông khác và cho người không phải là cổ đông, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 84 của Luật này;
đ) Xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin trong Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác;
e) Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, sổ biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông;
g) Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với số cổ phần góp vốn vào công ty;
h) Các quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
Đại hội đồng cổ đông là cơ quan cao nhất trong công ty cổ phần, gồm tất cả các cổ đông tham gia góp vốn, có quyền quyết định các vấn đề:
a) Thông qua định hướng phát triển của công ty;
b) Quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; quyết định mức cổ tức hàng năm của từng loại cổ phần, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
c) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát;
d) Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác;
đ) Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, trừ trường hợp điều chỉnh vốn điều lệ do bán thêm cổ phần mới trong phạm vi số lượng cổ phần được quyền chào bán quy định tại Điều lệ công ty;
e) Thông qua báo cáo tài chính hàng năm;
g) Quyết định mua lại trên 10% tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại;
h) Xem xét và xử lý các vi phạm của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát gây thiệt hại cho công ty và cổ đông công ty;
i) Quyết định tổ chức lại, giải thể công ty;
k) Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
(điều 96 Luật Doanh nghiệp)
Như vậy, 4 cổ đông trong công ty bạn sẽ cùng được tham dự đại hội đồng cổ đông được họp hàng năm ít nhất 1 lần vào quý I sau khi kết thúc năm tài chính (điều 97 Luật Doanh nghiệp). Đại hội đồng cổ đông sẽ thông qua báo cáo tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh, thông qua phương hướng, kế hoạch hoạt động hàng năm và các vấn đề quan trọng khác. Các cổ đông được biểu quyết trên cơ sở tỷ lệ lệ cổ phần của mình tại công ty.
Người có trách nhiệm tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông công ty, cung cấp các tài liệu, báo cáo cho cổ đông là Chủ tịch Hội đồng quản trị (điều 111 Luật Doanh nghiệp).
2. Với hiện trạng như bạn trình bày, bạn và các cổ đông khác có quyền:
- Yêu cầu Chủ tịch HĐQT phải công khai các khoản chi phí, tổ chức họp đại hội đồng cổ đông theo quy định của pháp luật. Đối với tài sản chung của công ty, phải xây dựng quy chế sử dụng sao cho hiệu quả và công bằng.
- Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị không tiếp nhận ý kiến của cổ đông, các cổ đông có quyền tổ chức họp để bãi hoặc miễn nhiệm chức danh chủ tịch đối với ông Doanh hoặc khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính để yêu cầu giải quyết.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm
Trân trọng./.