Có 2 trường hợp đối với việc xử lý vi phạm hành chính là xử lý vi phạm hành chính không lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính lập biên bản: (Theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012)
Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản: khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính đang diễn ra người có thẩm quyền đang thi hành công vụ buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính. Quy định cụ thể tại Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:
“Điều 56. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản
1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.”
Quy định về thi hành quyết định xử phạt hành chính không lập biên bản theo Điều 69 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Thứ hai, xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản: (Quy định cụ thể tại Điều 57 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012).
“Điều 57. Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính
1. Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 1 khoản 1 Điều 56 của Luật này.
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản phải được người có thẩm quyền xử phạt lập thành hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Hồ sơ bao gồm biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính, các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục.
Hồ sơ phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.”
Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính người có thẩm quyền đang thi hành công vụ buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính (Điều 55 Luật Xử lý vi phạm hành chính)
Lập biên bản vi phạm hành chính (Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính)
Tiến hành xác minh tình tiết vụ việc vi phạm (Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính)
Trong trường hợp cần xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt (Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính)
Giải trình (bằng văn bản hoặc giải trình trực tiếp) (Điều 61 Luật xử lý vi phạm hành chính)
Chuyển hồ sơ nếu có dấu hiệu tội phạm (Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính) hoặc ra quyết định xử lý vi phạm hành chính (Điều 67, 68 Luật Xử lý vi phạm hành chính)
Chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó (Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính)
Nếu cá nhân, tổ chức không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì tiến hành cưỡng chế thi hành xuyết định xử phạt (Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính)