Quy trình khám phát hiện bệnh nghề nghiệp được thực hiện như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #612414 06/06/2024

    Quy trình khám phát hiện bệnh nghề nghiệp được thực hiện như thế nào?

    Đối tượng nào cần thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp? Quy trình khám phát hiện bệnh nghề nghiệp được thực hiện như thế nào? Nội dung khám phát hiện bệnh nghề nghiệp bao gồm những gì?

    1. Đối tượng nào cần thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp?

    Tại Điều 6 Thông tư 28/2016/TT-BYT có quy định về đối tượng cần phải khám phát hiện bệnh nghề nghiệp như sau:

    - Đối tượng phải khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư 28/2016/TT-BYT. Cụ thể như sau:

    Người lao động tiếp xúc với các yếu tố có hại có khả năng mắc bệnh nghề nghiệp hoặc làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm kể cả người học nghề, tập nghề, người lao động đã nghỉ hưu hoặc người lao động đã chuyển công tác không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp hoặc người lao động tham gia bảo hiểm xã hội quy định tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hằng tháng.

    - Người lao động không thuộc quy định trên chuyển sang làm nghề, công việc có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.

    2. Quy trình khám phát hiện bệnh nghề nghiệp được thực hiện như thế nào?

    Tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư 28/2016/TT-BYT có quy định về quy trình khám phát hiện bệnh nghề nghiệp như sau:

    - Trước khi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động hoặc người lao động phải gửi cho cơ sở khám bệnh nghề nghiệp hồ sơ theo quy định tại Điều 8 Thông tư 28/2016/TT-BYT;

    - Sau khi nhận đủ hồ sơ, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp thông báo thời gian, địa điểm và các nội dung cần thiết khác liên quan đến khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động hoặc người lao động;

    - Thực hiện việc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp lần đầu theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư 28/2016/TT-BYT;

    - Kết thúc đợt khám, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp có trách nhiệm ghi đầy đủ các thông tin trong sổ khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp và tổng hợp kết quả đợt khám phát hiện bệnh nghề nghiệp thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư 28/2016/TT-BYT;

    - Trường hợp người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp phải lập Hồ sơ bệnh nghề nghiệp thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư 28/2016/TT-BYT và lập báo cáo trường hợp người lao động mắc bệnh nghề nghiệp thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư 28/2016/TT-BYT;

    - Sau khi tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 20 ngày làm việc, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp phải trả cho người sử dụng lao động hoặc người lao động các giấy tờ quy định tại điểm d, điểm đ Khoản 1 Điều 9 Thông tư 28/2016/TT-BYT.

    3. Nội dung khám phát hiện bệnh nghề nghiệp bao gồm những gì?

    Tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư 28/2016/TT-BYT có quy định về nội dung khám phát hiện bệnh nghề nghiệp như sau:

    - Khai thác đầy đủ các thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử bệnh tật của bản thân và gia đình, thời gian tiếp xúc yếu tố có hại có thể gây bệnh nghề nghiệp để ghi phần tiền sử tiếp xúc nghề nghiệp trong sổ khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp;

    - Khám đầy đủ nội dung theo quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư 28/2016/TT-BYT và các chuyên khoa để phát hiện bệnh nghề nghiệp trong Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm quy định tại Thông tư 15/2016/TT-BYT ;

    - Đối với lao động nữ phải khám thêm chuyên khoa phụ sản;

    - Thực hiện các xét nghiệm khác liên quan đến yếu tố có hại trong môi trường lao động (nếu cần);

    - Trường hợp người lao động đã được khám sức khỏe định kỳ theo Thông tư 14/2013/TT-BYT thì sử dụng kết quả khám sức khỏe còn giá trị và thực hiện khám bổ sung các nội dung còn lại theo quy định tại điểm b, điểm d Khoản 2 Điều 9 Thông tư 28/2016/TT-BYT;

    - Đối với những bệnh nghề nghiệp không nằm trong Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm xã hội phải khám đầy đủ các chuyên khoa theo chỉ định của bác sỹ khám bệnh nghề nghiệp.

    Như vậy, quy trình khám phát hiện bệnh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định nêu trên.

     

     
    193 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận