Hiện nay, trên các trang mạng xã hội rần rần những đoạn clip, bức ảnh được cho là chụp một cô gái mắt lim dim phê thuốc, không tỉnh táo. Cô gái trong ảnh được cho là sử dụng thuốc lắc, đây là một hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy thuốc lắc có phải là ma túy? Pháp luật quy định như thế nào về hành vi này?
Thuốc lắc là gì?
Thuốc lắc là một dạng ma túy tổng hợp, gây nghiện, bất hợp pháp. Thuốc lắc thường được tiêu thụ ở dạng thuốc viên, viên nén hoặc dạng viên nang.
Thuốc này là một dạng duy nhất trong số các loại thuốc gây nghiện bất hợp pháp, có cả tác dụng kích thích và gây ảo giác.
Đặc tính kích thích của thuốc lắc giúp tăng cường năng lượng và sự tỉnh táo trong khi các hiệu ứng gây ảo giác sẽ kích thích cảm giác làm cho các hình ảnh thực tế bị bóp méo.
Mặc dù thuốc có thể được gọi với nhiều tên khác nhau, nhưng đều có chung hóa chất 3,4-methylenedioxymethamphetamine (viết tắc là MDMA) gây ra tác dụng của thuốc.
Tác hại của thuốc lắc?
Thuốc lắc là loại thuốc dễ gây nghiện, tạo ra cảm giác hưng phấn và niềm vui, giảm trầm cảm và lo âu.
Tuy nhiên, một khi thuốc đào thải ra khỏi cơ thể, người sử dụng thuốc thường bị trầm cảm, lo lắng, lú lẫn, rối loạn giấc ngủ và thèm thuốc sau đó ngay cả sau lần thử đầu tiên.
Thuốc lắc còn làm tăng nhiệp tim, tăng huyết áp. Bởi khi trong trạng thái hưng phấn khiến người ta vận động nhiều và gây ra những cảm xúc thất thường, đột ngột.
Ngoài ra còn khiến chúng ta suy giảm trí nhớ, tăng dục tính.
Sự lạm dụng càng nặng thì hậu quả càng kéo dài, mặc dù một số ảnh hưởng lâu dài có thể do pha trộn thuốc lắc với các chất khác.
Mức phạt đối với hành vi tàng trữ, sử dụng thuốc lắc?
Căn cứ khoản 3.1 mục II Thông tư số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, quy định về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy thì:
Tàng trữ trái phép chất ma túy là hành vi cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali, cho vào thùng xăng xe, cất dấu trong quần áo, tư trang mặc trên người hoặc theo người…) mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma túy.
Theo đó, thời gian tàng trữ dài hay ngắn không ảnh hưởng đến việc xác định tội này.
Với hành vi sử dụng thuốc lắc; cơ quan chức năng sẽ áp dụng Điều 249 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017; quy định cụ thể về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.
Trong đó, tàng trữ được xác định cho các mục đích còn lại sau khi loại trừ việc mua bán, vận chuyển, sản xuất.
Nói cách khác, việc tàng trữ để sử dụng hay đang sử dụng thuốc lắc đều bị khép vào tội này.
Liều lượng thuốc sử dụng trên thực tế, tính chất và hậu quả của hành vi phạm tội là căn cứ để xác định khung hình phạt.
Căn cứ tại Điều 249 BLHS về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy, quy định:
Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
- Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
- Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
- Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
- Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
- Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
- Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
- Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản 1 Điều 249 BLHS 2015.
Theo Điều 249 BLHS 2015, mức xử phạt cao nhất đối với một số trường hợp Tội này được pháp luật quy định có thể xác định là 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Theo Khoản 5 Điều này, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.