Sau đây là các mức phạt vi phạm hành chính đối với người lao động.
1. Vi phạm về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Phạt từ 500.000 – 1.000.000 đồng nếu người lao động có một trong những hành vi sau:
- Không báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gây độc hại hoặc sự cố nguy hiểm;
- Không tham gia cấp cứu và khắc phục hậu quả tai nạn lao động khi có lệnh của người sử dụng lao động;
- Không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân được trang bị hoặc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân sai mục đích.
2. Vi phạm về giải quyết tranh chấp lao động
Phạt cảnh cáo nếu người lao động có hành vi tham gia đình công sau khi có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phạt từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng nếu người lao động có một trong những hành vi sau:
- Cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công;
- Cản trở người lao động không tham gia đình công đi làm việc;
- Hủy hoại máy, thiết bị, tài sản của người sử lao động hoặc xâm phạm trật tự, an toàn công cộng trong khi đình công hoặc lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác.
3. Vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng nếu người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
4. Vi phạm về làm hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội
Phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng nếu người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp.
Nội dung này được đề cập tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP.