Quy định về việc tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước

Chủ đề   RSS   
  • #604656 10/08/2023

    Quy định về việc tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước

    Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
     
    Bảo vệ bí mật nhà nước là hoạt động quan trọng trong việc phòng, chống xâm phạm bí mật nhà nước tránh việc lộ bí mật nhà nước gây ra những nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. 
     
    Hiện nay căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được phân loại thành 03 độ mật, bao gồm: Tuyệt mật, Tối Mật và Mật. Và trong quá trình bảo vệ bí mật nhà nước sẽ phát sinh hoạt động mà cần phải tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, cụ thể được thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018.
     
    Những trường hợp tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước:
     
    - Khi không cần thiết phải lưu giữ và việc tiêu hủy không gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc;
     
    - Nếu không tiêu hủy ngay sẽ gây nguy hại cho lợi ích quốc gia, dân tộc
    .
    Yêu cầu khi thực hiện tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước:
     
    - Không để bị lộ, bị mất bí mật nhà nước;
     
    - Quá trình tiêu hủy phải tác động vào tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước làm thay đổi hình dạng, tính năng, tác dụng;
     
    - Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước sau khi tiêu hủy không thể phục hồi hình dạng, tính năng, tác dụng, nội dung.
     
    Thẩm quyền tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước:
     
    - Người có thẩm quyền  cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nướcquy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 11 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 có thẩm quyền quyết định tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước;
     
    - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định thẩm quyền tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý;
     
    - Người đang quản lý tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được quyền quyết định tiêu hủy trong trường hợp nếu không tiêu hủy ngay sẽ gây nguy hại cho lợi ích quốc gia, dân tộc và báo cáo ngay bằng văn bản về việc tiêu hủy với người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
     
    Việc tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trong trường hợp khi không cần thiết phải lưu giữ và việc tiêu hủy không gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc được thực hiện như sau:
     
    - Người có thẩm quyền tiêu hủy quyết định thành lập Hội đồng tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước;
     
    - Hội đồng tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước bao gồm đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức trực tiếp lưu giữ tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng; người trực tiếp lưu giữ tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan;
     
    - Hội đồng tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước có trách nhiệm rà soát tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được đề nghị tiêu hủy, báo cáo người có thẩm quyền;
     
    - Hồ sơ tiêu hủy phải được lưu trữ bao gồm quyết định thành lập Hội đồng tiêu hủy; danh sách tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước đề nghị tiêu hủy; biên bản họp Hội đồng tiêu hủy; quyết định tiêu hủy, biên bản tiêu hủy và tài liệu khác có liên quan.
     
    =>> Theo đó việc tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định nêu trên.
     
    122 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận