Vấn đề thay đổi, chuyển giao, chấm dứt việc giám hộ được quy định như thế nào? Hậu quả của sự kiện chấm dứt việc giám hộ được ghi nhận ra sao?
Thay đổi, chuyển giao, chấm dứt việc giám hộ?
Việc thay đổi người giám hộ được quy định tại Điều 60 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Người giám hộ được thay đổi trong trường hợp sau đây:
+) Người giám hộ không còn đủ các điều kiện quy định tại Điều 49, Điều 50 của Bộ luật Dân sự 2015;
+) Người giám hộ là cá nhân chết hoặc bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, mất năng lực hành vi dân sự, mất tích; pháp nhân làm giám hộ chấm dứt tồn tại;
+) Người giám hộ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ;
+) Người giám hộ đề nghị được thay đổi và có người khác nhận làm giám hộ.
- Trường hợp thay đổi người giám hộ đương nhiên thì những người được quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật Dân sự 2015 là người giám hộ đương nhiên; nếu không có người giám hộ đương nhiên thì việc cử, chỉ định người giám hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 54 của Bộ luật Dân sự 2015.
- Thủ tục thay đổi người giám hộ được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Việc chuyển giao giám hộ được quy định tại Điều 61 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Khi thay đổi người giám hộ thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có người giám hộ mới, người đã thực hiện việc giám hộ phải chuyển giao giám hộ cho người thay thế mình.
- Việc chuyển giao giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do chuyển giao và tình trạng tài sản, vấn đề khác có liên quan của người được giám hộ tại thời điểm chuyển giao. Cơ quan cử, chỉ định người giám hộ, người giám sát việc giám hộ chứng kiến việc chuyển giao giám hộ.
- Trường hợp thay đổi người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều 60 của Bộ luật Dân sự 2015 thì cơ quan cử, chỉ định người giám hộ lập biên bản, ghi rõ tình trạng tài sản, vấn đề khác có liên quan của người được giám hộ, quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình thực hiện việc giám hộ để chuyển giao cho người giám hộ mới với sự chứng kiến của người giám sát việc giám hộ.
Việc chấm dứt việc giám hộ được quy định tại Điều 62 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Việc giám hộ chấm dứt trong trường hợp sau đây:
+) Người được giám hộ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
+) Người được giám hộ chết;
+) Cha, mẹ của người được giám hộ là người chưa thành niên đã có đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;
+) Người được giám hộ được nhận làm con nuôi.
- Thủ tục chấm dứt việc giám hộ thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Hậu quả chấm dứt việc giám hộ được pháp luật quy định như thế nào?
Điều 63 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về hậu quả của việc chấm dứt việc giám hộ như sau:
- Trường hợp người được giám hộ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày chấm dứt việc giám hộ, người giám hộ thanh toán tài sản với người được giám hộ, chuyển giao quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự vì lợi ích của người được giám hộ cho người được giám hộ.
- Trường hợp người được giám hộ chết thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt việc giám hộ, người giám hộ thanh toán tài sản với người thừa kế hoặc giao tài sản cho người quản lý di sản của người được giám hộ, chuyển giao quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự vì lợi ích của người được giám hộ cho người thừa kế của người được giám hộ; nếu hết thời hạn đó mà chưa xác định được người thừa kế thì người giám hộ tiếp tục quản lý tài sản của người được giám hộ cho đến khi tài sản được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ.
- Trường hợp chấm dứt việc giám hộ quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 62 của Bộ luật Dân sự 2015 thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày chấm dứt việc giám hộ, người giám hộ thanh toán tài sản và chuyển giao quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự vì lợi ích của người được giám hộ cho cha, mẹ của người được giám hộ.
- Việc thanh toán tài sản và chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo quy định trên sẽ được lập thành văn bản với sự giám sát của người giám sát việc giám hộ.