Quy định về sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước thuộc quản lý Bộ Kế hoạch đầu tư

Chủ đề   RSS   
  • #608978 01/03/2024

    Quy định về sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước thuộc quản lý Bộ Kế hoạch đầu tư

    Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
     
    Hiện nay các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tuân thủ quy chế quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành tại Thông tư 16/2023/TT-BKHĐT. Trong đó việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư 16/2023/TT-BKHĐT như sau:
     
    Hình thức sao tài liệu bí mật nhà nước
     
    - Sao tài liệu bí mật nhà nước là việc chép lại hoặc tạo ra bản khác theo đúng nội dung bản gốc hoặc bản chính của tài liệu. Chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước là việc ghi lại bằng hình ảnh tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.
     
    - Hình thức sao tài liệu bí mật nhà nước gồm: Sao y bản chính, sao lục và trích sao.
     
    Thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước
     
    - Đối với bí mật nhà nước độ “Tuyệt mật” bao gồm:
     
    + Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
     
    + Người đứng đầu các đơn vị thuộc Bộ, trừ người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. 
     
    -  Đối với bí mật nhà nước độ “Tối mật” bao gồm:
     
    + Những người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước cấp độ "Tuyệt mật";
     
    + Người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ;
     
    + Người đứng đầu Cục, Vụ và tương đương thuộc Tổng cục Thống kê.
     
    - Đối với bí mật nhà nước độ "Mật” bao gồm:
     
    + Những người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước cấp độ "Tuyệt mật", "Tối mật";
     
    + Người đứng đầu đơn vị cấp phòng các đơn vị thuộc Bộ.
     
    Ngoài ra đối với bí mật nhà nước cấp độ "Tuyệt mật", "Tối mật" thì những người có thẩm quyền có thể ủy quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.
     
    - Việc ủy quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được thực hiện thường xuyên hoặc theo từng trường hợp cụ thể và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn ủy quyền.
     
    - Cấp phó được ủy quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải chịu trách nhiệm về quyết định cho phép sao, chụp của mình trước cấp trưởng, trước pháp luật và không được ủy quyền tiếp cho người khác.
     
    Quy định về thực hiện sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước
     
    - Người được giao thực hiện việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải là cán bộ, công chức, viên chức hoặc người làm công tác liên quan đến bí mật nhà nước. 
     
    - Sau khi được người có thẩm quyền cho phép, người được giao nhiệm vụ tiến hành việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.
     
    - Bản sao tài liệu bí mật nhà nước đóng dấu “bản sao số” ở góc trên bên phải tại trang đầu và dấu “bản sao bí mật nhà nước” ở trang cuối của tài liệu sau khi sao, trong đó phải thể hiện số thứ tự bản sao, hình thức sao y bản chính hoặc sao lục, thời gian, số lượng, nơi nhận, thẩm quyền cho phép sao và con dấu của cơ quan, đơn vị (nếu có).
     
    - Bản trích sao tài liệu bí mật nhà nước phải thực hiện theo mẫu “Văn bản trích sao”, trong đó thể hiện đầy đủ nội dung trích sao, thời gian, số lượng, nơi nhận, thẩm quyền cho phép sao và con dấu của cơ quan, đơn vị (nếu có). Bản trích sao phải đóng dấu độ mật tương ứng với tài liệu trích sao.
     
    - Bản chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải có “văn bản ghi nhận việc chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước”, trong đó phải thể hiện tên, loại tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, độ mật, thời gian, số lượng, nơi nhận, người thực hiện chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, thẩm quyền cho phép chụp và con dấu của cơ quan, đơn vị (nếu có).
     
    - Việc sao, chụp phải ghi nhận vào “Sổ quản lý sao, chụp bí mật nhà nước” để quản lý và theo dõi.
     
    - Người được giao nhiệm vụ tiến hành việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước theo đúng số lượng được cho phép và tiêu hủy ngay bản dư thừa, bản hỏng.
     
    - Phương tiện, thiết bị sử dụng để sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không được kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp thực hiện theo quy định pháp luật về cơ yếu.
     
    =>> Như vậy việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước thuộc quản lý Bộ Kế hoạch đầu tư quản lý hiện nay được thực hiện theo quy định nêu trên.
     
    47 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận