Quy định về phương pháp đo, dụng cụ đo đạc bản đồ địa chính đất đai

Chủ đề   RSS   
  • #606902 17/11/2023

    Quy định về phương pháp đo, dụng cụ đo đạc bản đồ địa chính đất đai

    Công việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính, lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện theo quy định như thế nào?

    Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin về phương pháp đo, dụng cụ đo đạc bản đồ địa chính đất đai theo quy định pháp luật.

    Phương pháp đo đạc bản đồ địa chính đất đai

    Căn cứ khoản 2 Điều 6 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT về bản đồ địa chính do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành về lựa chọn tỷ lệ và phương pháp đo vẽ bản đồ địa chính, trích đo địa chính thửa đất có quy định về vệc lựa chọn phương pháp đo vẽ bản đồ địa chính như sau:

    - Bản đồ địa chính được lập bằng phương pháp đo vẽ trực tiếp ở thực địa bằng máy toàn đạc điện tử, phương pháp sử dụng công nghệ GNSS đo tương đối hoặc phương pháp sử dụng ảnh hàng không kết hợp với đo vẽ trực tiếp ở thực địa.

    - Phương pháp lập bản đồ địa chính bằng công nghệ GNSS đo tương đối chỉ được áp dụng để lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1:1000 ở khu vực đất nông nghiệp và bản đồ địa chính tỷ lệ 1:2000, 1:5000, 1:10000, nhưng phải quy định rõ trong thiết kế kỹ thuật - dự toán công trình.

    - Phương pháp lập bản đồ địa chính sử dụng ảnh hàng không kết hợp với đo vẽ trực tiếp ở thực địa chỉ được áp dụng để lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1:2000, 1:5000, 1:10000, nhưng phải quy định rõ trong thiết kế kỹ thuật - dự toán công trình.

    - Bản đồ địa chính tỷ lệ 1:200, 1:500 chỉ được sử dụng phương pháp đo vẽ trực tiếp ở thực địa bằng máy toàn đạc điện tử, máy kinh vĩ điện tử để lập."

    Căn cứ Điều 4 Thông tư 68/2015/TT-BTNMT về các quy định chung về phương pháp đo đạc trực tiếp có quy định:

    - Phương pháp đo đạc trực tiếp địa hình được áp dụng đối với các khu vực có diện tích nhỏ, được yêu cầu đo vẽ với độ chính xác cao. Kết quả đo đạc ghi nhận dưới dạng số hoặc trên giấy phù hợp với việc lập bản đồ địa hình dạng số và xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý.

    - Phương pháp đo đạc trực tiếp địa hình sử dụng thiết bị đo đạc chuyên dụng tiếp cận trực tiếp điểm đo để thu nhận các thông số cần thiết để xác định tọa độ, độ cao điểm cần đo từ tọa độ, độ cao các điểm lưới khống chế.

    - Trước khi đo vẽ phải khảo sát thực địa, thu thập tư liệu và lập dự án, thiết kế kỹ thuật dự toán, đề cương kỹ thuật, luận chứng kinh tế kỹ thuật (sau đây gọi chung là thiết kế kỹ thuật). Thiết kế kỹ thuật được lập cho toàn bộ công tác trắc địa trên khu đo hoặc cho từng công đoạn, nhưng phải bao gồm từng hạng mục công việc và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thi công.

    - Máy đo và thiết bị sử dụng phải được kiểm định, kiểm nghiệm, hiệu chỉnh theo các quy định tại Chương VI của Thông tư này.

    - Công tác kiểm tra chất lượng phải tiến hành thường xuyên, chặt chẽ và kịp thời từ khi thi công đến khi kết thúc công trình."

    Các yêu cầu đối với dụng cụ đo đạc bản đồ địa chính đất đai

    Căn cứ điểm b khoản 18.2 Điều 9, Điều 13 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT:

    Về lưới địa chính, yêu cầu kỹ thuật cơ bản của lưới địa chính:

    + Yêu cầu kỹ thuật cơ bản khi lập lưới địa chính bằng công nghệ GNSS và thành quả đo đạc, tính toán, bình sai

    + Phải sử dụng ăng ten, máy thu tín hiệu vệ tinh và phần mềm đi kèm theo máy thu, do nhà sản xuất cung cấp và tuân thủ các yêu cầu quy định tại Thông tư này để thu tín hiệu, tính toán xác định tọa độ và độ cao.

    Trước khi sử dụng phải kiểm tra hoạt động của máy thu và các thiết bị kèm theo, khi hoạt động bình thường mới được đưa vào sử dụng. Đối với máy thu đang sử dụng cần kiểm tra sự hoạt động của các phím chức năng, kiểm tra sự ổn định của quá trình thu tín hiệu thông qua việc đo thử, kiểm tra việc truyền dữ liệu từ máy thu sang máy tính. Đối với các máy mới, trước khi sử dụng phải tiến hành đo thử nghiệm trên bãi chuẩn (đối với loại máy thu 1 tần số) hoặc trên các điểm cấp 0 (đối với loại máy thu 2 tần số) và so sánh kết quả đo với số liệu đã có.

    Về kiểm tra, kiểm nghiệm máy đo đạc

    - Máy đo đạc phải được kiểm tra, kiểm nghiệm, hiệu chỉnh trước và sau mùa đo, đợt đo hoặc khi phát hiện có biến động có ảnh hưởng đến độ chính xác của máy.

    - Phải lập hồ sơ kiểm nghiệm và giao nộp cùng với các tài liệu đo.

    - Các chỉ tiêu sai số của máy đo đạc phải nêu trong hồ sơ kiểm nghiệm; chỉ đưa vào sử dụng máy đo đạc khi các sai số lý thuyết theo lý lịch, của máy đo và sai số xác định trong kiểm nghiệm đạt các tiêu chuẩn sau:

    + Máy đo chiều dài cạnh đường chuyền có trị tuyệt đối sai số trung phương đo dài không vượt quá 20 mm + D mm (D là chiều dài tính bằng km).

    + Máy đo góc đường chuyền có trị tuyệt đối sai số trung phương đo góc không quá 10 giây.

    + Sai số 2C không quá 12 giây.

    + Sai số MO không quá 5 giây.

    + Sai số bọt nước dài không quá 2 giây.

    + Sai số dọi tâm quang học không quá 2 mm."

    Căn cứ khoản 4, 5 Điều 17 Thông tư 68/2015/TT-BTNMT về lưới cơ sở cấp 2 sử dụng công nghệ GNSS tĩnh

    - Máy thu tín hiệu vệ tinh là loại máy thu được trị đo Code và trị đo Phase, một hoặc đa tần số, có sai số danh định đo cạnh ≤ 10mm + 1mm.D (D là chiều dài cạnh đo, tính bằng kilomet). Thời gian thu tín hiệu vệ tinh chung của 2 máy tại một cạnh không ít hơn 60 phút đối với máy thu tín hiệu vệ tinh 1 tần số và 45 phút cho máy thu tín hiệu vệ tinh 2 tần số trở lên. Khi sử dụng máy thu tín hiệu vệ tinh loại 1 tần số thì chiều dài cạnh đo không quá 15km. Trường hợp ca đo đặc biệt có cạnh lớn hơn nhiều lần chiều dài trung bình cạnh trong lưới, phải tăng thời gian của ca đo đo thêm 10 phút cho mỗi 5km vượt quá chiều dài trung bình.

    - Ăng ten máy thu tín hiệu vệ tinh phải được đặt cố định, chắc chắn trên điểm, dọi tâm chính xác vào tâm mốc với sai số ≤ 2mm; chiều cao ăng ten được đo bằng thước thép, đọc số 2 lần đến milimet. Thông số trạm đo phải được thu thập chính xác, ghi bằng bút mực vào sổ đo tại thực địa bao gồm: ngày đo, thời gian đo, số máy, số hiệu điểm, loại ăng ten, kiểu đo ăng ten, sơ đồ chướng ngại vật, thời tiết, người đo và các thông tin đặc biệt khác nếu có. Quy cách sổ đo thực địa tuân thủ Phụ lục 3 của Thông tư này.

    ==>> Dụng cụ đo phải đáp ứng các điều kiện trên.

     
     
    2855 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn 1004isyou@gmail.com vì bài viết hữu ích
    admin (21/11/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận