Nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được quy định như thế nào? Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được xác định ra sao?
Xác định quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản?
Theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015, Quyền sở hữu đối với tài sản của chủ sở hữu (theo hướng tiếp cận phổ biến) được cấu thành bởi 03 nhóm quyền sau đây: (i) Quyền chiếm hữu; (ii) Quyền sử dụng; (iii) Quyền định đoạt. Trong đó,
- Quyền chiếm hữu của chủ sở hữu được xác định là quyền của chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội (Điều 186 Bộ luật Dân sự 2015);
- Quyền sử dụng của chủ sở hữu được xác định là quyền của chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (Điều 190 Bộ luật Dân sự 2015);
- Quyền định đoạt được xác định là quyền quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản (Điều 192 Bộ luật Dân sự 2015).
Theo quy định tại Điều 159 Bộ luật Dân sự 2015, Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác. Trong đó, Quyền khác đối với tài sản bao gồm: (i) Quyền đối với bất động sản liền kề; (ii) Quyền hưởng dụng; (iii) Quyền bề mặt.
Nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản?
Theo quy định tại Điều 160 Bộ luật Dân sự 2015, nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được quy định như sau:
- Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được xác lập, thực hiện trong trường hợp Bộ luật Dân sự 2015 hoặc luật khác có liên quan quy định.
Quyền khác đối với tài sản vẫn có hiệu lực trong trường hợp quyền sở hữu được chuyển giao, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định khác.
- Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
- Chủ thể có quyền khác đối với tài sản được thực hiện mọi hành vi trong phạm vi quyền được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản hoặc của người khác.
Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản?
Theo quy định tại Điều 161 Bộ luật Dân sự 2015, thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được quy định như sau:
- Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao.
Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản.
- Trường hợp tài sản chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên có tài sản chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Lưu ý: Chủ sở hữu phải chịu rủi ro về tài sản thuộc sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có liên quan quy định khác; Chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải chịu rủi ro về tài sản trong phạm vi quyền của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với chủ sở hữu tài sản hoặc luật có liên quan quy định khác (Điều 162 Bộ luật Dân sự 2015)