Quy định về giao dịch dân sự bị tuyên vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức?

Chủ đề   RSS   
  • #615000 08/08/2024

    minhpham1995
    Top 50
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2017
    Tổng số bài viết (1446)
    Số điểm: 12229
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 209 lần


    Quy định về giao dịch dân sự bị tuyên vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức?

    Xác định hiệu lực của một giao dịch dân sự? Giao dịch dân sự bị vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức? Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu?

    Tính có hiệu lực của một giao dịch dân sự?

    Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 với nội dung như sau:

    “Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

    1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

    a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

    b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

    c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

    2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.

    Như vậy, bên cạnh các yếu tố về chủ thể, tính tự nguyện, mục đích và nội dung của giao dịch dân sự (những nội dung “cố hữu” khi đánh giá tính hiệu lực của một giao dịch dân sự bất kỳ), trong trường hợp luật có quy định riêng hoặc đặc thù thì hình thức của giao dịch dân sự cũng là một trong những điều kiện bắt buộc để xét tính hiệu lực của giao dịch được nhắc đến.

    Điều 122 Bộ luật Dân sự 2015 nhấn mạnh rằng: “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác”. Hay nói rõ hơn, trong trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải đáp ứng yêu cầu về mặt hình thức, nhưng giao dịch đó lại không đáp ứng thì có cơ sở để xác định giao dịch này sẽ bị tuyên bố là vô hiệu.

    Giao dịch dân sự bị vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức?

    Hình thức của giao dịch dân sự được mô tả ngắn gọn tại Điều 112 Bộ luật Dân sự 2015 với các nội dung:

    - Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

    Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

    - Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

    Cụ thể hơn khi xác định giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức, Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 có đưa ra quy định sau đây: Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

    (1) Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

    (2) Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

    Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu?

    Điều 132 Bộ luật Dân sự 2015 có đưa ra quy định về thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu:

    “Điều 132. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

    1. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125, 126, 127, 128 và 129 của Bộ luật này là 02 năm, kể từ ngày:

    ...

    đ) Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.

    2. Hết thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực.

    ....”.

    Như vậy, thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm quy định về hình thức tại Điều 129 của Bộ luật Dân sự 2015 là 02 năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.

    Theo đó, nếu hết thời hiệu quy định tại trên mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự sẽ có hiệu lực.

     
    53 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận