Quy định về đối tượng mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán

Chủ đề   RSS   
  • #616279 13/09/2024

    Quy định về đối tượng mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán

    Đối tượng được mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được quy định tại Thông tư 17/2024/TT-NHNN có hiệu lực ngày 01/07/2024

    1/ Đối tượng được mở tài khoản thanh toán

    Căn cứ quy định tại Điều 11 Thông tư 17/2024/TT-NHNN thì các đối tượng sau đây được mở tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán gồm:

    - Cá nhân:

    Các cá nhân được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm:

    + Người từ đủ 15 tuổi trở lên không bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định pháp luật Việt Nam;

    + Người chưa đủ 15 tuổi, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật;

    + Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ.

    - Tổ chức:

    Các tổ chức  được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm: 

    + Tổ chức là pháp nhân (pháp nhân Việt Nam, pháp nhân nước ngoài);

    + Doanh nghiệp tư nhân; Hộ kinh doanh;

    + Các tổ chức khác được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.

    ** Theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư 17/2024/TT-NHNN thì tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được mở tài khoản thanh toán bao gồm:

    + Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước);

    + Ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã (sau đây gọi tắt là ngân hàng);

    + Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

    2/ Quy định về việc sử dụng tài khoản thanh toán

    Căn cứ Điều 17 Thông tư 17/2024/TT-NHNN thì việc sử dụng tài khoản thanh toán được quy định như sau:

    - Chủ tài khoản được sử dụng tài khoản thanh toán để nộp, rút tiền mặt và yêu cầu ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản như: cung ứng phương tiện thanh toán, thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ và các dịch vụ gia tăng khác phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

    - Việc sử dụng tài khoản thanh toán của cá nhân là người chưa đủ 15 tuổi, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được thực hiện thông qua người đại diện. Người đại diện thực hiện các giao dịch thanh toán thông qua tài khoản thanh toán của người được đại diện theo quy định của pháp luật dân sự về giám hộ và đại diện.

    - Việc sử dụng tài khoản thanh toán được mở để phục vụ việc theo dõi các khoản tiền ký quỹ, đảm bảo khả năng thanh toán và các mục đích khác theo quy định pháp luật phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật có liên quan. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được chủ động trích Nợ đối với các khoản tiền ký quỹ, số tiền trên tài khoản đảm bảo thanh toán, các khoản tiền để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp khoản tiền ký quỹ, khoản tiền để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho chính ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.

    - Việc sử dụng tài khoản thanh toán chung phải thực hiện đúng theo các nội dung tại văn bản thỏa thuận (hoặc hợp đồng) quản lý, sử dụng tài khoản thanh toán chung của các chủ tài khoản và phải tuân theo các nguyên tắc sau:

    + Các chủ tài khoản thanh toán chung có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với tài khoản thanh toán chung và việc sử dụng tài khoản thanh toán chung phải được sự chấp thuận của tất cả các chù tài khoản. Mỗi chủ tài khoản phải chịu trách nhiệm thanh toán cho toàn bộ các nghĩa vụ nợ phát sinh từ việc sử dụng tài khoản thanh toán chung;

    + Thông báo liên quan đến việc sử dụng tài khoản thanh toán chung phải được gửi đến tất cả các chủ tài khoản, trừ trường hợp giữa ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các chủ tài khoản thanh toán chung có thỏa thuận khác;

    + Từng chủ tài khoản thanh toán chung có thể ủy quyền cho người khác (bao gồm chủ tài khoản thanh toán chung còn lại) thay mặt mình sử dụng tài khoản thanh toán chung nhưng phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các chủ tài khoản thanh toán chung còn lại;

    + Khi một trong các chủ thể đứng tên mở tài khoản thanh toán chung là cá nhân bị chết, bị tuyên bố là đã chết, bị tuyên bố mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; chủ thể đứng tên mở tài khoản thanh toán chung là tổ chức bị giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật thì quyền sử dụng tài khoản và nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài khoản thanh toán chung được giải quyết theo quy định của pháp luật;

    + Trường hợp các chủ tài khoản thanh toán chung có quốc tịch, tình trạng cư trú khác nhau thì tài khoản thanh toán chung chỉ được sử dụng trong phạm vi được phép của tất cả các chủ tài khoản thanh toán chung theo quy định pháp luật về quản lý ngoại hối.

    - Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hướng dẫn khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán đảm bảo nguyên tắc:

    + Phạm vi sử dụng và hạn mức giao dịch theo từng đối tượng khách hàng phù hợp với quy định về quản lý rủi ro và thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 19 Thông tư 17/2024/TT-NHNN;

    + Có đủ thông tin cần thiết để kiểm tra, đối chiếu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán;

    + Chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức) với:

    (i) Dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước của người đó đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của người đó do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; hoặc

    (ii) Dữ liệu sinh trắc học được thu thập thông qua gặp mặt trực tiếp người đó đối với trường hợp là người nước ngoài không sử dụng danh tính điện tử, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; hoặc

    (iii) Dữ liệu sinh trắc học đã được thu thập và kiểm tra (đảm bảo sự khớp đúng giữa dữ liệu sinh trắc học của người đó với dữ liệu sinh trắc học trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc với dữ liệu sinh trắc học của người đó thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập); hoặc

    (iv) Dữ liệu sinh trắc học của người đó được lưu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong trường hợp sử dụng thẻ căn cước công dân không có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa;

    + Áp dụng các biện pháp xác thực đối với từng loại giao dịch trong thanh toán bằng phương tiện điện tử theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng bằng phương tiện điện tử;

    + Việc sử dụng tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của người không cư trú, người cư trú là cá nhân nước ngoài và tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ phải tuân thủ quy định tại Điều này và các quy định pháp luật về quản lý ngoại hối.

    - Việc xử lý tra soát, khiếu nại trong sử dụng tài khoản thanh toán thực hiện theo thỏa thuận giữa chủ tài khoản thanh toán với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và quy định về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

    Trên đây là quy định về đối tượng được mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

     
     
    50 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận