Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, luật sư Đào Thị Liên - Công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
1. Nghĩa vụ đăng ký kinh doanh:
Mọi hoạt động kinh doanh của công dân (tổ chức và cá nhân) đểu phải được đăng ký với cơ quan chức năng ngoại trừ một số trường hợp sau:
a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
(Trích điều 3 - Nghị định 39/2007/NĐ-CP về việc cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập,thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.
Đối chiếu với quy định của pháp luật, trường hợp của bạn phải đăng ký kinh doanh với cơ quan chức năng trước khi tiến hành các hoạt động kinh doanh.
2. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh:
Trước khi liên hệ với cơ quan chức năng để đăng ký kinh doanh, bạn cần lựa chọn loại hình tổ chức kinh doanh phù hợp với nhu cầu của mình. Pháp luật về kinh doanh, thương mại Việt Nam hiện hành quy định có nhiều loại hình tổ chức kinh doanh, bao gồm:
+ Thành lập doanh nghiệp, bao gồm các hình thức: công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên; công ty cổ phần, công ty hợp danh; doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã..
+ Thành lập hộ kinh doanh cá thể để kinh doanh.
Đối với việc thành lập các loại hình doanh nghiệp nêu trên và hợp tác xã: cơ quan có chức năng giải quyết là Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Đối với việc thành lập hộ kinh doanh: cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở chính.
Bạn căn cứ quy định của pháp luật để lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp và liên hệ với cơ quan chức năng có thẩm quyền để làm thủ tục đăng ký kinh doanh.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, vui lòng điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 để được trợ giúp.
Thân chúc bạn và gia đình sức khỏe, bình an.
Trân trọng./.
Cập nhật bởi daolienluatsu ngày 01/10/2014 03:31:19 CH