Quy định về cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Chủ đề   RSS   
  • #603303 16/06/2023

    Quy định về cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

    Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương có chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật; tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
     
    Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có tên giao dịch viết bằng tiếng Anh: Viet Nam Competition Commission, viết tắt là VCC.
     
    Về cơ cấu tổ chức
     
    Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia được tổ chức theo Điều 5 Nghị định 03/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/4/2023 bao gồm:
     
    - Bộ máy giúp việc thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia:
     
    + Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh;
     
    + Ban Thư ký các Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh;
     
    + Ban Giám sát cạnh tranh.
     
    - Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh được thành lập phòng. Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định số lượng phòng trực thuộc Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh. Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
     
    - Một số đơn vị trực thuộc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Công Thương.
     
    Quy định về thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia
     
    Căn cứ quy định tại Điều 4 Nghị định 03/2023/NĐ-CP:
     
    - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có tối đa 15 thành viên, gồm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, một hoặc một số Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và các thành viên khác.
     
    - Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tham gia hoạt động tố tụng cạnh tranh theo phân công của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
     
    - Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, người tiến hành tố tụng cạnh tranh, người giám định, người phiên dịch, người làm chứng được hưởng chế độ bồi dưỡng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
     
    Quy định về Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia
     
    Căn cứ quy định tại Điều 3 Nghị định 03/2023/NĐ-CP:
     
    - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tổ chức, hoạt động của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
     
    - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
     
    - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có nhiệm vụ bổ nhiệm, miễn nhiệm Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Điều tra viên vụ việc cạnh tranh.
     
    - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong phạm vi nhiệm vụ được phân công.
     
    - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về lĩnh vực công tác được phân công.
     
    =>> Như vậy cơ cấu tổ chức, thành viên của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia được thực hiện theo các quy định nêu trên.
     
    553 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận