Bộ luật Dân sự 2015 không định nghĩa cụ thể giấy tờ có giá là gì mà chỉ nêu giấy tờ có giá là một loại tài sản. Theo Khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010; Khoản 1 Điều 3 Thông tư 04/2016/TT-NHNN và Khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2012/TT-NHNN quy định: “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác".
Căn cứ vào nội dung giải đáp về giấy tờ có giá tại Công văn 141/TANDTC-KHXX, có thể liệt kê một số loại giấy tờ có giá như: Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác; Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu; Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái; Các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; Hợp đồng góp vốn đầu tư; các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định) và Trái phiếu doanh nghiệp …
Như vậy, giấy tờ có giá là một loại tài sản do đó, việc tặng cho giấy tờ có giá cũng là một giao dịch dân sự được thực hiện theo quy định của tặng cho tài sản.
Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Điều 457. Hợp đồng tặng cho tài sản
Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.”
“Điều 458. Tặng cho động sản
1. Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.”
“Điều 462. Tặng cho tài sản có điều kiện
1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
Hiện tại, pháp luật không có văn bản nào quy định chi tiết về việc tặng cho giấy tờ có giá nên căn cứ theo quy định pháp luật nêu trên, hợp đồng tặng cho giấy tờ có giá sẽ được thực hiện theo quy định của hợp đồng tặng cho tài sản và không bắt buộc các bên giao dịch phải công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, để đảm bảo giá trị pháp lý cho giao dịch này, hai bên có thể thực hiện công chứng, chứng thực tại các phòng, văn phòng công chứng.