Quy định pháp luật về quyền bề mặt? Căn cứ xác lập và chấm dứt quyền bề mặt? (Phần 2)

Chủ đề   RSS   
  • #615805 29/08/2024

    minhpham1995
    Top 50
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2017
    Tổng số bài viết (1446)
    Số điểm: 12229
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 211 lần


    Quy định pháp luật về quyền bề mặt? Căn cứ xác lập và chấm dứt quyền bề mặt? (Phần 2)

    Khái niệm về quyền bề mặt? Căn cứ xác lập, hiệu lực và chấm dứt quyền bề mặt? Nội dung của quyền bề mặt và xử lý tài sản khi quyền bề mặt chấm dứt?

    Hiệu lực và nội dung của quyền bề mặt?

    Như đã trao đổi trong phần 1, khái niệm “Quyền bề mặt” (Superficies) đã có một hành trình phát triển dài từ thời luật La Mã cổ đại. Ngày nay, trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, quyền bề mặt được hiểu với một phạm vi rộng hơn. Chủ thể có quyền bề mặt không chỉ được phép xây dựng công trình trên đất mà còn có quyền tạo lập bất kỳ loại tài sản nào gắn liền với đất, như trồng cây, đào ao, khai thác khoáng sản (trong phạm vi cho phép). Hơn nữa, quyền bề mặt không chỉ giới hạn ở bề mặt đất mà còn bao gồm cả không gian bên dưới lòng đất. Như vậy, có thể thấy rằng, so với quan niệm ban đầu của luật La Mã, khái niệm quyền bề mặt hiện đại đã trở nên linh hoạt và đa dạng hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn của xã hội.

    Hiệu lực của quyền bề mặt được quy định tại Điều 269 Bộ luật Dân sự 2015 với nội dung: Quyền bề mặt có hiệu lực từ thời điểm chủ thể có quyền sử dụng đất chuyển giao mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất cho chủ thể có quyền bề mặt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Quyền bề mặt có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

    Nội dung của quyền bề mặt được ghi nhận tại Điều 271 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

    - Chủ thể quyền bề mặt có quyền khai thác, sử dụng mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc quyền sử dụng đất của người khác để xây dựng công trình, trồng cây, canh tác nhưng không được trái với quy định của Bộ luật này, pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên, khoáng sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    - Chủ thể quyền bề mặt có quyền sở hữu đối với tài sản được tạo lập theo quy định trên.

    - Trường hợp quyền bề mặt được chuyển giao một phần hoặc toàn bộ thì chủ thể nhận chuyển giao được kế thừa quyền bề mặt theo điều kiện và trong phạm vi tương ứng với phần quyền bề mặt được chuyển giao.

    Chấm dứt quyền bề mặt và xử lý tài sản khi quyền bề mặt chấm dứt?

    Quyền bề mặt sẽ chấm dứt trong các trường hợp được quy định tại Điều 272 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

    - Thời hạn hưởng quyền bề mặt đã hết.

    - Chủ thể có quyền bề mặt và chủ thể có quyền sử dụng đất là một.

    - Chủ thể có quyền bề mặt từ bỏ quyền của mình.

    - Quyền sử dụng đất có quyền bề mặt bị thu hồi theo quy định của Luật đất đai.

    - Theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của luật.

    Việc xử lý tài sản khi quyền bề mặt chấm dứt được quy định tại Điều 273 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

    - Khi quyền bề mặt chấm dứt, chủ thể quyền bề mặt phải trả lại mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất cho chủ thể có quyền sử dụng đất theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

    - Chủ thể quyền bề mặt phải xử lý tài sản thuộc sở hữu của mình trước khi quyền bề mặt chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    Trường hợp chủ thể quyền bề mặt không xử lý tài sản trước khi quyền bề mặt chấm dứt thì quyền sở hữu tài sản đó thuộc về chủ thể có quyền sử dụng đất kể từ thời điểm quyền bề mặt chấm dứt, trừ trường hợp chủ thể có quyền sử dụng đất không nhận tài sản đó.

    Trường hợp chủ thể có quyền sử dụng đất không nhận tài sản mà phải xử lý tài sản thì chủ thể có quyền bề mặt phải thanh toán chi phí xử lý tài sản.

     
    105 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận