Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng, việc phân loại dự án cũng là một trong những bước quan trọng, bài viết dưới đây sẽ làm rõ hơn về vấn đề này.
Dự án đầu tư xây dựng được phân loại dựa trên một trong những căn cứ sau:
+ Theo quy mô, mức độ quan trọng;
+ Theo công năng phục vụ, tính chất chuyên ngành của công trình và mục đích quản lý;
+ Theo nguồn vốn sử dụng và hình thức đầu tư.
1. Phân loại dự án dựa trên căn cứ quy mô, mức độ quan trọng
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 (nội dung sửa đổi Điều 49 Luật Xây dựng 2014) căn cứ vào quy mô, mức độ quan trọng, dự án đầu tư xây dựng được phân loại thành dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công, cụ thể:
- Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia: quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư công 2019;
- Tiêu chí phân loại dự án nhóm A: quy định tại Điều 8 Luật Đầu tư công 2019;
- Tiêu chí phân loại dự án nhóm B: quy định tại Điều 9 Luật Đầu tư công 2019;
- Tiêu chí phân loại dự án nhóm C: quy định tại Điều 10 Luật Đầu tư công 2019.
Như vậy, dựa trên quy mô, mức độ quan trọng, dự án đầu tư xây dựng có thể được phân loại vào một trong bốn nhóm dự án được nêu trên.
2. Phân loại dự án dựa trên công năng phục vụ, tính chất chuyên ngành của công trình và mục đích quản lý
Cũng theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, dự án đầu tư xây dựng còn có thể được phân loại dựa trên công năng phục vụ, tính chất chuyên ngành và mục đích quản lý thành các dự án sau:
- Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng;
- Dự án đầu tư xây dựng công trình công nghiệp;
- Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật;
- Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông;
- Dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn;
- Dự án đầu tư xây dựng công trình quốc phòng, an ninh;
- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp khác.
Như vậy, dựa trên công năng, tính chất chuyên ngành và mục đích quản lý thì dự án đầu tư xây dựng có thể được phân thành 7 loại như trên (có thể tham khảo Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP để xác định chính xác dự án thuộc loại công trình gì).
3. Phân loại dự án dựa trên nguồn vốn sử dụng và hình thức đầu tư
Ngoài 02 căn cứ phân loại như đã trình bày ở mục 1 và 2 thì căn cứ phân loại dự án còn có thể dựa trên nguồn vốn sử dụng và hình thức đầu tư, cụ thể được phân loại thành:
- Dự án sử dụng vốn đầu tư công;
- Dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công;
- Dự án PPP (dự án theo phương thức đối tác công tư);
- Dự án sử dụng vốn khác.
Ngoài ra, dự án đầu tư xây dựng được sử dụng một hoặc nhiều nguồn vốn khác nhau (vốn hỗn hợp) được phân loại để quản lý theo các quy định tại Nghị định 15/2021/NĐ-CP như sau:
- Dự án sử dụng vốn hỗn hợp có tham gia của vốn đầu tư công được quản lý theo quy định của dự án sử dụng vốn đầu tư công; dự án PPP có sử dụng vốn đầu tư công được quản lý theo quy định của pháp luật về PPP;
- Dự án sử dụng vốn hỗn hợp bao gồm vốn nhà nước ngoài đầu tư công và vốn khác:
+ Nếu có tỷ lệ vốn nhà nước ngoài đầu tư công lớn hơn 30% hoặc trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư thì được quản lý theo các quy định đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công;
+ Trường hợp còn lại được quản lý theo quy định đối với dự án sử dụng vốn khác.
Lưu ý thêm: Trừ trường hợp người quyết định đầu tư có yêu cầu lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ cần yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng nếu thuộc vào một trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 15/2021/NĐ-CP.