Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Chủ đề   RSS   
  • #608570 02/02/2024

    nguyenduy303
    Top 500
    Male


    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/10/2016
    Tổng số bài viết (295)
    Số điểm: 2154
    Cảm ơn: 37
    Được cảm ơn 53 lần


    Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

    Hình thức, lĩnh vực tham gia và nhiệm vụ, quyền hạn của cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được quy định tại Nghị quyết 130/2020/QH14.

    1. Hình thức và lĩnh vực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

    - Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 130/2020/QH14lực lượng của các nước thành viên Liên hợp quốc được cử tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nhằm mục đích duy trì, gìn giữ hòa bình, an ninh ở quốc gia và khu vực xảy ra xung đột trên thế giới, được thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đặt dưới sự quản lý của Liên hợp quốc.

    - Hình thức tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc bao gồm cá nhân và đơn vị.

    - Lực lượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc bao gồm:

    + Tham mưu; Hậu cần; Kỹ thuật; Thông tin, liên lạc; Công binh;

    + Quân y; Cảnh sát; Kiểm soát quân sự; Quan sát viên quân sự; Quan sát viên và giám sát bầu cử;

    + Các lĩnh vực khác do Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định.

    2. Nhiệm vụ, quyền hạn của cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

    Lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc bao gồm cá nhân, đơn vị và vũ khí, trang bị, phương tiện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao thực hiện nhiệm vụ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Nhiệm vụ, quyền hạn của cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc quy định tại Điều 7 Nghị quyết 130/2020/QH14 như sau:

    - Về nhiệm vụ:

    + Thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực tham gia do cấp có thẩm quyền của Liên hợp quốc giao theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên hợp quốc;

    + Tham mưu cho cấp có thẩm quyền của Việt Nam về nâng cao năng lực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và các lĩnh vực khác có liên quan;

    + Bảo vệ vị thế và uy tín của Việt Nam; phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; tôn trọng pháp luật, chính quyền, người dân và văn hóa, phong tục tập quán ở quốc gia, khu vực nơi lực lượng Việt Nam tham gia;

    + Thực hiện nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền của Việt Nam giao.

    - Về quyền hạn:

    + Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trang bị, thiết bị, phương tiện của Việt Nam và Liên hợp quốc được giao theo quy định để thực hiện nhiệm vụ;

    + Quyền hạn khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, quy định của Liên hợp quốc và thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên hợp quốc.

    3. Trang phục, trang bị của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

    - Theo quy định tại Điều 10 Nghị quyết 130/2020/QH14, trong thời gian tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, lực lượng Việt Nam sử dụng trang phục theo quy định của Liên hợp quốc.

    - Cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được giao quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trang bị, thiết bị, phương tiện và vật chất cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ.

    - Việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong thời gian tham gia hoạt động thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, quy định của Liên hợp quốc, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

    - Màu sắc, dấu hiệu nhận biết trang bị, phương tiện của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc khi thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định 61/2021/NĐ-CP, cụ thể:

    + Về màu sắc: trang bị, phương tiện của lực lượng Việt Nam được sơn màu trắng.

    + Dấu hiệu nhận biết:

    ++ Trang bị, phương tiện của lực lượng Việt Nam được dán hoặc sơn chữ “UN” màu đen.

    ++ Đối với trang bị: Chữ “UN” có kích cỡ thống nhất, phù hợp với kích cỡ thực tế của từng loại trang bị cụ thể; được dán hoặc sơn ở vị trí phù hợp, dễ nhận biết.

    ++ Đối với phương tiện: Chữ “UN” có kích cỡ thống nhất đối với mỗi loại phương tiện, tối thiểu là 30 cm chiều rộng và 45 cm chiều cao; được dán hoặc sơn ở phía trước, phía sau, hai bên, bên trên và phía dưới đối với phương tiện bay.

    ++ Phương tiện mang biển số và cờ hiệu của Liên hợp quốc.

    + Không sơn, dán quốc kỳ hoặc dấu hiệu nhận biết quốc gia trên trang bị, phương tiện.

    + Việc sơn màu sắc và gắn dấu hiệu nhận biết được thực hiện trước khi triển khai tới phái bộ.

    Ngoài ra, tại Điều 8 Nghị định 61/2021/NĐ-CP cũng quy định dấu hiệu nhận biết trang bị, phương tiện của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc khi huấn luyện trong nước.

     
    95 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận