Quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam

Chủ đề   RSS   
  • #604424 01/08/2023

    nguyenduy303
    Top 500
    Male


    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/10/2016
    Tổng số bài viết (310)
    Số điểm: 2259
    Cảm ơn: 37
    Được cảm ơn 54 lần


    Quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam

    Cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam được quy định tại Luật Trồng trọt 2018Nghị định 84/2019/NĐ-CP với những nội dung đáng chú ý như sau:

    1. Quy định phân loại phân bón

    Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 84/2019/NĐ-CP phân bón được phân loại như sau:

    - Nhóm phân bón hóa học (phân bón vô cơ) gồm các loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu chính là các chất vô cơ hoặc hữu cơ tổng hợp, được xử lý qua quá trình hóa học hoặc chế biến khoáng sản và tùy theo thành phần, hàm lượng hoặc chức năng của chỉ tiêu chất lượng chính đối với cây trồng hoặc liên kết hóa học của các nguyên tố dinh dưỡng trong phân bón được phân loại chi tiết trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

    - Nhóm phân bón hữu cơ gồm các loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu chính là các chất hữu cơ tự nhiên (không bao gồm các chất hữu cơ tổng hợp), được xử lý thông qua quá trình vật lý (làm khô, nghiền, sàng, phối trộn, làm ẩm) hoặc sinh học (ủ, lên men, chiết) và tùy theo thành phần, chức năng của các chỉ tiêu chất lượng chính hoặc quá trình sản xuất được phân loại chi tiết trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

    - Nhóm phân bón sinh học gồm các loại phân bón được sản xuất thông qua quá trình sinh học hoặc có nguồn gốc tự nhiên, trong thành phần có chứa một hoặc nhiều chất sinh học như axít humic, axít fulvic, axít amin, vitamin hoặc các chất sinh học khác và tùy theo thành phần hoặc chức năng của chỉ tiêu chất lượng chính trong phân bón được phân loại chi tiết trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

    - Phân bón rễ là loại phân bón thuộc một trong 3 Nhóm phân bón nêu trên sử dụng để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua bộ rễ hoặc có tác dụng cải tạo đất.

    - Phân bón lá là loại phân bón thuộc một trong 3 Nhóm phân bón nêu trên sử dụng để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua thân, lá.

    2. Yêu cầu về công nhận phân bón lưu hành và cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam

    - Phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, trừ phân bón hữu cơ được sản xuất để sử dụng không vì mục đích thương mại, phân bón được nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Trồng trọt 2018; phân bón được sản xuất để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài.

    - Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có thời hạn là 05 năm và trước khi hết thời gian lưu hành 03 tháng nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu gia hạn phải thực hiện gia hạn theo quy định tại Điều 7 Nghị định 84/2019/NĐ-CP. Tổ chức, cá nhân trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài có văn phòng đại diện, chi nhánh công ty hoạt động trong lĩnh vực phân bón tại Việt Nam được đứng tên đăng ký công nhận lưu hành phân bón.

    - Mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký công nhận một tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón.

    Tại khoản 1 Điều 37 Luật Trồng trọt 2018 quy định điều kiện cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam bao gồm:

    - Đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (gọi tắt là QCVN) về chất lượng phân bón;

    - Có kết quả khảo nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia, trừ loại phân bón sau không phải khảo nghiệm theo khoản 2 Điều 39 Luật Trồng trọt 2018:

    + Phân bón hữu cơ sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ là chất hữu cơ tự nhiên, đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo QCVN;

    + Phân bón vô cơ đơn sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ chứa đạm (N) hoặc lân (P) hoặc kali (K), đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo QCVN;

    + Phân bón vô cơ phức hợp sử dụng để bón rễ trong thành phần chỉ chứa các nguyên tố dinh dưỡng đạm (N), lân (P), kali (K) được liên kết với nhau bằng các liên kết hóa học, đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo QCVN;

    + Phân bón được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận là tiến bộ kỹ thuật.

    3. Hồ sơ, trình tự và thẩm quyền cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 84/2019/NĐ-CP thì hồ sơ đề nghị cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam bao gồm:

    - Đơn đề nghị cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 84/2019/NĐ-CP;

    - Bản thông tin chung về phân bón có xác nhận của nhà sản xuất bao gồm: loại phân bón; tên phân bón; dạng phân bón; hướng dẫn sử dụng; phương thức sử dụng; thời hạn sử dụng; cảnh báo an toàn; chỉ tiêu chất lượng, hàm lượng yếu tố hạn chế trong phân bón kèm theo phiếu kết quả thử nghiệm;

    - Bản chính báo cáo kết quả khảo nghiệm phân bón theo tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm phân bón (trừ các loại phân bón không phải khảo nghiệm được nêu ở Mục 2 trên);

    - Giấy chứng nhận lưu hành tự do của nước xuất khẩu cấp (đối với phân bón nhập khẩu quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 39 Luật Trồng trọt 2018).

    Trình tự và thẩm quyền cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 84/2019/NĐ-CP như sau:

    - Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ được nêu trên đến cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây viết tắt là cơ quan có thẩm quyền).

    - Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định, nếu hồ sơ đáp ứng quy định thì ban hành Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; trường hợp không ban hành Quyết định công nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

     
    325 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận