Quy định hiện hành về các hạng giấy phép lái xe

Chủ đề   RSS   
  • #602464 11/05/2023

    nguyenduy303
    Top 500
    Male
    Lớp 1

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/10/2016
    Tổng số bài viết (346)
    Số điểm: 2823
    Cảm ơn: 37
    Được cảm ơn 59 lần


    Quy định hiện hành về các hạng giấy phép lái xe

    Theo quy định pháp luật hiện hành, giấy phép lái xe cơ giới có nhiều hạng và thời hạn sử dụng giấy phép khác nhau, bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm một số thông tin về vấn đề này.

    1. Giấy phép lái xe là gì?

    Hiện tại pháp luật không có quy định cụ thể về khái niệm "Giấy phép lái xe" là như thế nào. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 29/2015/TT-BGTVT thì có định nghĩa Giấy phép lái xe quốc gia là giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền của các nước cấp, có giá trị trên lãnh thổ nước đó.

    Căn cứ vào kiểu loại, công suất động cơ, tải trọng và công dụng của xe cơ giới, giấy phép lái xe được phân thành giấy phép lái xe không thời hạn và giấy phép lái xe có thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008.

    2. Đối tượng cấp giấy phép lái xe không thời hạn

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008 và Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT thì giấy phép lái xe không thời hạn bao gồm các hạng được cấp cho các đối tượng sau:

    - Hạng A1: cấp cho người lái xe mô tô 02 bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3 và người khuyết tật điều khiển xe mô tô 03 bánh dùng cho người khuyết tật;

    - Hạng A2: cấp cho người lái xe mô tô 02 có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;

    - Hạng A3: cấp cho người lái xe mô tô 03 bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự.

    Như vậy, giấy phép lái xe không thời hạn chỉ cấp cho 3 hạng là A1, A2 và A3.

    3. Đối tượng cấp giấy phép lái xe có thời hạn

    Theo quy định tại khoản 4 Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008 và Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT thì giấy phép lái xe có thời hạn bao gồm các hạng được cấp cho các đối tượng sau:

    - Hạng A4: cấp cho người lái máy kéo nhỏ có trọng tải đến 1.000 kg;

    - Hạng B1: cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ ngồi cho người lái xe); xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng), máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg;

    - Hạng B2: cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ ngồi cho người lái xe); xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng), máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg;

    - Hạng C: cấp cho người lái xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng), máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải từ 3.500 kg trở lên và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2;

    - Hạng D: cấp cho người lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi (kể cả chỗ ngồi cho người lái xe) và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2, C;

    - Hạng E: cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D;

    Lưu ý: Người có giấy phép lái xe các hạng B1, B2, C, D và E khi điều khiển các loại xe tương ứng được kéo thêm một rơ moóc có trọng tải thiết kế không quá 750 kg. Hạng F cấp cho người đã có giấy phép lái xe các hạng B2, C, D và E để điều khiển các loại xe ô tô tương ứng kéo rơ moóc có trọng tải thiết kế lớn hơn 750 kg, sơ mi rơ moóc, ô tô khách nối toa, được quy định cụ thể như sau:

    - Hạng FB2: cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng B2 có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1 và hạng B2;

    - Hạng FC: cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng C để lái các loại xe quy định cho hạng C khi kéo rơ moóc, đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và hạng FB2.

    - Hạng FD: cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng D có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D và FB2;

    - Hạng FE: cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng E có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe: ô tô chở khách nối toa và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FD.

    Lưu ý: Hạng giấy phép lái xe sử dụng cho người lái xe ô tô khách giường nằm, ô tô khách thành phố (sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt) thực hiện theo quy định của hạng D và hạng E. Số chỗ ngồi trên xe được tính theo số chỗ trên xe ô tô khách cùng kiểu loại hoặc xe ô tô có kích thước giới hạn tương đương chỉ bố trí ghế ngồi.

    4. Thời hạn của giấy phép lái xe

    Theo quy định tại Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (được bổ sung bởi Khoản 3 Điều 2 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT) thì thời hạn của giấy phép lái xe sẽ được ghi trên giấy phép lái xe và sẽ có thời hạn cụ thể như sau:

    - Hạng A1, A2, A3: không có thời hạn.

    - Hạng B1: có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.

    - Hạng A4, B2: có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.

    - Hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE: có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.

    Như vậy, tùy thuộc vào hạng của giấy phép lái xe mà thời hạn của giấy phép sẽ khác nhau. Giấy phép lái xe có giá trị sử dụng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và lãnh thổ của nước hoặc vùng lãnh thổ mà Việt Nam ký cam kết công nhận giấy phép lái xe của nhau.

     

     
    3562 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận