Ngày 22/10/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 17/2023/TT-BGDĐT về Quy chế thi học sinh giỏi cấp quốc gia. Theo đó quy định đề thi chính thức và đề thi dự bị học sinh giỏi cấp quốc gia 2023 như sau:
Đề thi đề xuất
- Đề thi đề xuất là căn cứ tham khảo quan trọng cho Hội đồng ra đề thi.
- Đề thi đề xuất do một số nghiên cứu viên, giảng viên, giáo viên có uy tín khoa học và năng lực chuyên môn tốt đã hoặc đang công tác ở các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, viện nghiên cứu, hội chuyên ngành soạn thảo theo yêu cầu của Bộ GDĐT.
- Nội dung của đề thi đề xuất phải đáp ứng các yêu cầu được quy định tại Điều 5 Quy chế này; đề thi đề xuất phải được chính người ra đề thi đề xuất niêm phong và gửi Cục QLCL.
- Người ra đề thi đề xuất phải giữ bí mật tuyệt đối về nội dung của đề thi đề xuất, không được phép công bố dưới bất kỳ hình thức nào.
- Cục QLCL chịu trách nhiệm tiếp nhận, lưu trữ và bàn giao đề thi đề xuất còn nguyên niêm phong cho Hội đồng ra đề thi.
Đề thi chính thức và Đề thi dự bị
- Trong một kỳ thi, mỗi bài thi/môn thi có một đề thi chính thức và một đề thi dự bị với mức độ tương đương nhau; không có dạng đề tự chọn đối với mỗi môn thi.
- Nội dung đề thi phải theo đúng quy định tại Điều 5 Quy chế này; phải bảo đảm chính xác, khoa học, phân loại được trình độ thí sinh; đề thi các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia có nội dung câu hỏi đánh giá kỹ năng, năng lực thực hiện thí nghiệm, thực hành của thí sinh; đề thi kỳ thi chọn đội tuyển Olympic phải đạt được yêu cầu tiếp cận với cấu trúc và phạm vi kiến thức của đề thi trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực.
- Đề thi phải được diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, không gây hiểu nhầm; phải ghi rõ có mấy trang, đánh số từng trang và có chữ "HẾT" tại nơi kết thúc đề thi.
- Đề thi chính thức, dự bị và hướng dẫn chấm kèm theo đề thi chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Tối mật”. Theo đó, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ “Tối mật” đối với đề thi chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài thi.
- Đề thi dự bị chưa sử dụng, được giải mật sau khi kết thúc buổi thi cuối cùng của mỗi kỳ thi.
- Đề thi chính thức của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và đáp án kèm theo được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT sau khi công bố kết quả thi.
Quy trình ra đề thi
- Soạn thảo đề thi:
+ Tổ trưởng Tổ ra đề thi phối hợp với Tổ thư ký loại bỏ tất cả thông tin liên quan đến người soạn thảo đề thi đề xuất. Tổ ra đề thi rà soát, phân loại câu hỏi thi trong đề thi đề xuất (gọi tắt là câu hỏi thi đề xuất) theo cấu trúc đề thi. Tổ ra đề thi tổ chức đánh giá từng câu hỏi thi đề xuất, lựa chọn các câu hỏi thi đề xuất đáp ứng yêu cầu làm nguồn tham khảo để soạn thảo đề thi và báo cáo Lãnh đạo Hội đồng bằng văn bản; trường hợp có từ hai câu hỏi thi đề xuất trở lên đã được lựa chọn trong cùng một đơn vị cấu trúc của đề thi thì lựa chọn theo phương thức bốc thăm bằng phiếu. Việc soạn thảo đề thi bảo đảm nguyên tắc biến đổi câu hỏi thi đề xuất và không sử dụng quá một câu hỏi của một người ra đề thi đề xuất. Riêng đối với các môn Ngoại ngữ, việc tham khảo và lựa chọn các câu hỏi thi đề xuất để soạn thảo đề thi từ một người ra đề thi đề xuất không được vượt quá 20% tổng số điểm bài thi.
+ Nếu nguồn đề thi đề xuất không đủ để tham khảo sử dụng trong soạn thảo đề thi Tổ trưởng Tổ ra đề thi báo cáo Chủ tịch Hội đồng ra đề thi để phân công các thành viên đề xuất ý tưởng và tổ chức cho cả Tổ ra đề thi phản biện nội bộ và điều chỉnh, biến đổi các ý tưởng được đề xuất để soạn thảo đề thi cho kỳ thi;
+ Tổ trưởng Tổ ra đề thi phải báo cáo đầy đủ với Chủ tịch Hội đồng về quan điểm, quy trình soạn thảo, nội dung cơ bản của đề thi được soạn thảo; đặc biệt, cần nêu rõ mỗi nội dung được soạn thảo từ đề thi đề xuất nào, nội dung nào được soạn thảo trên cơ sở ý tưởng đề xuất của thành viên Tổ ra đề thi.
- Phản biện đề thi:
+ Người phản biện đề thi có trách nhiệm đọc, đánh giá đề thi đã được Tổ ra đề thi soạn thảo theo các yêu cầu quy định tại Điều 15 Quy chế này và đề xuất phương án chính, sửa đề thi nếu thấy cần thiết;
+ Ý kiến đánh giá của người phản biện đề thi đối với các đề thi đã được soạn thảo là một căn cứ giúp Chủ tịch Hội đồng ra đề thi ký duyệt đề thi.
- Hoàn thiện đề thi: Trên cơ sở ý kiến của những người phản biện đề thi, tất cả các thành viên của Tổ ra đề thi cùng tinh chỉnh, hoàn thiện đề thi, ký tên và trình Chủ tịch Hội đồng ra đề thi phê duyệt.
- Trực thi: Tổ ra đề thi môn nào phải trực trong suốt thời gian thí sinh làm bài thi môn đó để xử lý các vấn đề liên quan đến đề thi (nếu có).
- Việc tổ chức ra đề thi thực hành đối với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học được thực hiện theo Hướng dẫn ra đề thi thực hành.
Thông tư 17/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực ngày 25/11/2023.