Quy định của pháp luật về biên bản hỏi cung bị can

Chủ đề   RSS   
  • #602291 03/05/2023

    Quy định của pháp luật về biên bản hỏi cung bị can

    Hỏi cung bị can là một hoạt động trong tố tụng hình sự được tiến hành sau khi có quyết định khởi tố bị can, nhằm ghi lại lời trình bày của bị can về vụ việc, từ đó tìm ra các manh mối và thu thập chứng cứ từ lời khai của bị can. Trong quá trình hỏi cung bị can sẽ được cơ quan có thẩm quyền lập biên bản. Vậy biên bản hỏi cung bị can là gì? Bao gồm những nội dung gì? 

     

    I. Biên bản hỏi cung bị can là gì?

    Biên bản hỏi cung bị can được hiểu là bản ghi lại lời khai của bị can trong quá trình hỏi cung. Đây cũng là một trong những nguồn chứng cứ cho nên để bảo đảm cho việc hỏi cung có giá trị pháp lý, việc lập biên bản hỏi cung bị can phải tuân theo các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và mỗi lần hỏi cung đều phải lập biên bản.

    Ngoài ra, biên bản hỏi cung bị can có thể xem là tài liệu phản ánh nội dung, kết quả của một hoạt động điều tra quan trọng. 

    II. Nội dung của biên bản hỏi cung bị can

    Khi tiến hành hỏi cung bị can thì đều phải lập biên bản.

    Biên bản hỏi cung bị can được lập theo quy định, phải ghi đầy đủ lời trình bày của bị can, các câu hỏi và câu trả lời. Nghiêm cấm Điều tra viên, Cán bộ điều tra tự mình thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can.

    Biên bản hỏi cung bị can được lập theo mẫu thống nhất và có các nội dung sau đây:

    - Ghi rõ địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc hỏi cung bị can; 

    - Nội dung của hoạt động hỏi cung bị can;

    - Người có thẩm quyền tiến hành hỏi cung bị can, người tham gia hỏi cung hoặc người liên quan đến hoạt động hỏi cung bị can, khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ.

    Biên bản hỏi cung bị can phải có chữ ký của những người tham gia hỏi cung bị can. Những điểm sửa chữa, thêm, bớt, tẩy xóa trong biên bản phải được xác nhận bằng chữ ký của họ. Nếu không ký vào biên bản thì người lập biên bản ghi rõ lý do và mời người chứng kiến ký vào biên bản.

    Cơ sở pháp lý: Điều 133, 178, 184 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

    III. Quy định về biên bản hỏi cung bị can

    Để biên bản hỏi cung bị can có giá trị pháp lý, cần phải đáp ứng các quy định sau:

    - Khi hỏi cung bị can, đều phải lập biên bản hỏi cung. Nội dung biên bản hỏi cung có các nội dung được nêu tại Mục II của bài viết, phải ghi đầy đủ lời trình bày của bị can, các câu hỏi và câu trả lời. Nghiêm cấm việc Điều tra viên, Cán bộ điều tra tự mình thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can.

    - Biên bản hỏi cung bị can phải có chữ ký của những người tham gia hỏi cung bị can. Những điểm sửa chữa, thêm, bớt, tẩy xóa trong biên bản phải được xác nhận bằng chữ ký của họ. Nếu không ký vào biên bản thì người lập biên bản ghi rõ lý do và mời người chứng kiến ký vào biên bản. 

    Biên bản có nhiều trang thì bị can ký vào từng trang biên bản. Trường hợp bị can viết bản tự khai thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra và bị can cùng ký xác nhận vào bản tự khai đó.

    - Điều tra viên, Cán bộ điều tra lập biên bản hỏi cung bị can phải đọc biên bản cho bị can nghe, giải thích cho họ quyền được bổ sung và nhận xét về biên bản. Ý kiến bổ sung, nhận xét được ghi vào biên bản; trường hợp không chấp nhận bổ sung thì ghi rõ lý do vào biên bản. 

    - Đối với trường hợp hỏi cung bị can có người phiên dịch thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch, giải thích cho bị can biết quyền yêu cầu thay đổi người phiên dịch; người phiên dịch phải ký vào từng trang của biên bản hỏi cung.

    - Người bào chữa, người đại diện của bị can có mặt khi hỏi cung bị can thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích cho những người này biết quyền và nghĩa vụ của họ trong khi hỏi cung bị can. Bị can, người bào chữa, người đại diện cùng ký vào biên bản hỏi cung. Trường hợp người bào chữa được hỏi bị can thì biên bản phải ghi đầy đủ câu hỏi của người bào chữa và trả lời của bị can.

    - Trường hợp Kiểm sát viên hỏi cung bị can thì biên bản được thực hiện theo quy định trên. Biên bản hỏi cung bị can được chuyển ngay cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án.

    Cơ sở pháp lý: Điều 133, 178, 184 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

     
    1371 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn huongquynhgl99@gmail.com vì bài viết hữu ích
    cheesecries119@gmail.com (15/11/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận