Quy định các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá

Chủ đề   RSS   
  • #610605 16/04/2024

    nguyenduy303
    Top 500
    Male
    Lớp 1

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/10/2016
    Tổng số bài viết (348)
    Số điểm: 2977
    Cảm ơn: 37
    Được cảm ơn 61 lần


    Quy định các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá

    Các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và nguyên tắc, căn cứ định giá của Nhà nước được quy định tại Luật Giá 2023 có hiệu lực từ 01/7/2024.

    1. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

    - Tại khoản 11 Điều 4 Luật Giá 2023 định nghĩa định giá là quá trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện xác định giá của hàng hóa, dịch vụ. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Giá 2023:

    + Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về thương mại và quy định khác của pháp luật có liên quan;

    + Tài nguyên quan trọng theo quy định của pháp luật về tài nguyên;

    + Hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước;

    + Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua, bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

    So với Luật Giá 2012, quy định mới có thêm tiêu chí hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua, bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

    - Về thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định như sau:

    + Thủ tướng Chính phủ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô, đời sống người dân;

    + Bộ Tài chính định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý; hàng hóa, dịch vụ thuộc nhiều ngành, lĩnh vực quản lý và ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước;

    + Bộ, cơ quan ngang Bộ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực, phạm vi chuyên ngành quản lý theo quy định;

    + Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá đối với hàng hóa, dịch vụ theo thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý theo địa bàn.

    - Cơ quan có thẩm quyền nêu trên thực hiện định giá theo các hình thức sau đây:

    + Giá cụ thể: là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán theo đúng mức giá đó;

    + Giá tối thiểu: là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán thấp hơn mức giá đó;

    + Giá tối đa: là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán cao hơn mức giá đó;

    + Khung giá: là khoảng giới hạn mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán thấp hơn mức tối thiểu và cao hơn mức tối đa của khung giá đó.

    Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật Giá 2023. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền. Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập văn bản đề nghị điều chỉnh gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

    Như vậy, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phải đáp ứng một trong các tiêu chí được nêu trên và cơ quan có thẩm quyền sẽ định giá thông qua 4 hình thức là giá cụ thể, khung giá, giá tối thiểu và giá tối đa. Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá sẽ được Chính phủ quy định chi tiết.

    2. Quy định nguyên tắc và căn cứ định giá của Nhà nước

    Tại khoản 1 Điều 22 Luật Giá 2023 quy định nguyên tắc định giá của Nhà nước như sau:

    - Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ; lợi nhuận (nếu có) hoặc tích lũy theo quy định (nếu có) phù hợp với mặt bằng thị trường; bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều kiện thị trường tại thời điểm định giá và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ;

    - Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng;

    - Xem xét, điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi. Trường hợp điều chỉnh giá sản phẩm, dịch vụ công trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư được thực hiện theo từng thời kỳ quy định tại hợp đồng dự án.

    Bên cạnh đó, căn cứ định giá của Nhà nước được quy định tại khoản 2 Điều 22 như sau:

    - Yếu tố hình thành giá của hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm định giá hoặc thời gian xác định yếu tố hình thành giá trong phương án giá phù hợp với đặc điểm, tính chất của hàng hóa, dịch vụ;

    - Quan hệ cung cầu của hàng hóa, dịch vụ, nhu cầu của thị trường và sức mua của đồng tiền; khả năng thanh toán của người tiêu dùng;

    - Giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ.

    Như vậy, so với quy định hiện hành, Luật Giá 2023 đã quy định cụ thể hơn nguyên tắc định giá của Nhà nước, có quy định đến nguyên tắc điều chỉnh giá sản phẩm, dịch vụ công trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư được thực hiện theo từng thời kỳ quy định tại hợp đồng dự án.

    3. Phương pháp định giá và việc ban hành văn bản định giá hoặc điều chỉnh mức giá; văn bản quy định cơ chế, chính sách về giá

    - Phương pháp định giá theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Giá 2023 được hiểu là cách thức để xác định giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo các hình thức định giá tại Mục 1 nêu trên.

    - Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Trường hợp khi áp dụng phương pháp định giá chung có nội dung đặc thù cần hướng dẫn, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất nội dung cụ thể cần hướng dẫn gửi Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn thực hiện. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan liên quan ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phương pháp định giá đối với hàng hóa, dịch vụ sau đây:

    + Hàng hóa, dịch vụ được quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật này;

    + Hàng hóa, dịch vụ mà pháp luật có quy định về phương pháp định giá riêng.

    - Việc ban hành văn bản định giá hoặc điều chỉnh mức giá sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá ban hành và đây là văn bản hành chính, việc ban hành văn bản được thực hiện như sau:

    + Lập phương án giá;

    + Thẩm định phương án giá;

    + Trình và ban hành văn bản định giá, điều chỉnh mức giá.

    - Văn bản quy định cơ chế, chính sách về giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật.

    Như vậy, Luật Giá 2023 đã quy định thêm việc ban hành văn bản định giá hoặc điều chỉnh mức giá và văn bản quy định cơ chế, chính sách về giá.

     
    758 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận