Các trường hợp chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Chính phủ đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP, trong đó có nội dung về Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng dự thảo một Thông tư mới quy định về quản lý và sử dụng Quỹ này. Đặc biệt, các trường hợp chi Quỹ đã thay đổi đáng kể.
Cụ thể, các trường hợp mà Quỹ bình ổn giá được sử dụng theo quy định hiện nay tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư 39/2014/TTLT-BCT-BTC hướng dẫn Nghị định 83 là:
(1) Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở kỳ công bố tăng trong phạm vi đến ba phần trăm (≤ 03%) so với giá cơ sở liền kề trước đó, nhưng việc tăng giá ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Liên Bộ Công Thương - Tài chính xem xét sử dụng Quỹ Bình ổn giá để điều hành giá xăng dầu
(2) Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng vượt ba phần trăm (> 03%) đến bốn phần trăm (≤ 04%) so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán tăng trong phạm vi đến ba phần trăm (≤ 03%) và được sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với phần tăng vượt ba phần trăm (> 03%) đến bốn phần trăm (≤ 04%). Thương nhân đầu mối gửi văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới Liên Bộ Công Thương - Tài chính
(3) Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng vượt bốn phần trăm (> 04%) đến bảy phần trăm (≤ 07%) so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán tăng trong phạm vi đến ba phần trăm (≤ 03%) cộng (+) thêm năm mươi phần trăm (50%) của mức chênh lệch giá tính từ tỷ lệ giá cơ sở tăng vượt ba (> 03%) đến tỷ lệ tăng thực tế trong phạm vi tăng vượt từ ba phần trăm (> 03%) đến bảy phần trăm (≤ 07%); năm mươi phần trăm (50%) còn lại được bù đắp từ Quỹ Bình ổn giá. Thương nhân đầu mối gửi văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới Liên Bộ Công Thương - Tài chính
(4) Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên bảy phần trăm (> 07%) so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc việc tăng giá xăng dầu có tác động bất lợi đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Tại Điều 5 của Dự thảo, quy định này đã được thay đổi và chỉ còn 3 trường hợp sau:
(1) Không chi sử dụng Quỹ trong trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở kỳ công bố tăng trong phạm vi bảy phần trăm (≤7%) so với giá cơ sở công bố liền kề trước đó, trừ trường hợp:
- Việc tăng giá ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
- Việc chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu là cần thiết để góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
(2) Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng lớn hơn bảy phần trăm (> 7%) đến mười phần trăm (10%) so với giá cơ sở công bố liền kề trước đó, căn cứ quy định tại Nghị định sửa đổi Nghị định 83, sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định sử dụng hoặc điều chỉnh mức chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cho phù hợp với diễn biến của thị trường.
(3) Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên mười phần trăm (> 10%) so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc việc tăng giá xăng dầu có tác động bất lợi đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Xem chi tiết Dự thảo Thông tư tại file đính kèm.
Cập nhật bởi hiesutran159 ngày 03/02/2021 11:27:43 SA