Câu hỏi: Quay phim cảnh sát giao thông đang làm việc có vi phạm pháp luật hay không?
Trả lời:
Căn cứ khoản 3 Điều 4 Luật Công an nhân dân 2018 nguyên tắc hoạt động của Công an nhân dân:
“Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”
Mọi hoạt động của Công an nhân dân sẽ chịu sự giám sát của Nhân dân. Do vậy, người dân có quyền quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, trừ những khu vực cấm, không xâm phạm đến quyền nhân thân bất khả xâm phạm của mọi người.
Trong trường hợp cảnh sát giao thông đang thực hiện công việc liên quan đến bí mật nhà nước hoặc thực hiện quyền nhân thân của mình thì mọi người không có quyền quay phim, chụp ảnh nếu như không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc chính cảnh sát đó theo quy định của khoản 1 Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và khoản 8 Điều 5 Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018 về các hành vi cấm bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước.
Căn cứ khoản 1 Điều 38 BLDS 2015: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.”
Căn cứ khoản 8 Điều 5 Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018: “Sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép.”
Nếu người dân quay phim, chụp ảnh tại những khu vực bị cấm hoặc xâm phạm đến quyền nhân thân thì sẽ bị xử lý theo pháp luật hành chính dân sự, hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.