Quay lén lúc mua dâm để tống tiền gái bán dâm có vi phạm pháp luật?

Chủ đề   RSS   
  • #603043 05/06/2023

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2141)
    Số điểm: 74946
    Cảm ơn: 63
    Được cảm ơn 1598 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    Quay lén lúc mua dâm để tống tiền gái bán dâm có vi phạm pháp luật?

    Quay lén cảnh nhạy cảm của gái bán dâm rồi tống tiền thì có vi phạm pháp luật hay không? Hành vi này pháp luật quy định như thế nào? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.

    Vừa qua, trên các trang báo điện tử đưa tin về vụ việc, một người đàn ông hẹn gái mại dâm vào khách sạn rồi quay lén cảnh nhạy cảm để tống tiền, ép người này phải tiếp tục "phục vụ" cho mình nếu không sẽ tung ảnh nhạy cảm. 

    Cụ thể, Đối tượng liên hệ mua dâm với cô gái và lén quay video. Sau đó, hắn gửi hình ảnh nhạy cảm kèm yêu cầu cô gái đến khách sạn để “phục vụ”, nếu không sẽ tung lên mạng xã hội.

    Trước tình hình đó, cô gái thỏa thuận với đối tượng sẽ đưa chiếc nhẫn trị giá 120 triệu đồng và mong được xóa hết hình ảnh. 

    Theo đó, đối tượng đồng ý với đề nghị của cô gái sau đó yêu cầu cô đến khách sạn giao nhẫn, song lại tiếp tục bắt "phục vụ".

    Đây là hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể là hành vi Cưỡng dâm, Cưỡng đoạt tài sản. Dưới sự điều tra của cơ quan chức năng, còn được biết đây không phải là lần đầu tiên đối tượng thực hiện hành vi vi phạm. 

    Theo kiểm tra điện thoại, máy tính bảng, laptop của đối tượng còn phát hiện thêm hình ảnh nhạy cảm của nhiều cô gái khác, tình nghi người này đã thực hiện nhiều vụ khác nên kêu gọi các nạn nhân trình báo.

    Tội cưỡng dâm bị xử lý như thế nào?

    Khung 1:

    Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

    Khung 2:

    Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

    - Nhiều người cưỡng dâm một người;

    - Phạm tội 02 lần trở lên;

    - Đối với 02 người trở lên;

    - Có tính chất loạn luân;

    - Làm nạn nhân có thai;

    - Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;

    - Tái phạm nguy hiểm.

    Khung 3:

    Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:

    - Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

    - Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;

    - Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

    Cưỡng dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi:

    - Cưỡng dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp tại khung 2, khung 3, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.

    Hình phạt bổ sung:

    Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    (Điều 143 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017)

    Đối với hành vi cưỡng đoạt tài sản sẽ áp dụng mức xử phạt thế nào?

    Cưỡng đoạt tài sản là gì?

    Cưỡng đoạt tài sản là hành vi một người dùng vũ lực đe dọa hoặc có thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

    Điểm đặc trưng của hành vi này là người phạm tội sẽ dùng vũ lực (lời nói hoặc hành động) mà tác động tâm lý đến người có quyền về tài sản phải lo sợ mà giao nộp tài sản cho người uy hiếp. Có thể kể đến một số hành vi như đe dọa sẽ tố cáo bí mật cá nhân, uy hiếp bằng vũ lực, dùng chức vụ quyền hạn để ra lệnh hay nổi bật như đã nêu ở tiêu đề đó là dùng thông tin bí mật đời tư để uy hiếp tống tiền.

    Mức phạt hành chính đối với hành vi cưỡng đoạt tài sản

    Theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

    Ngoài ra, người có hành vi vi phạm trên còn bị buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép.

    Truy cứu tội cưỡng đoạt tài sản

    Căn cứ Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 quy định Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì áp dụng các khung hình phạt sau đây: 

    Khung 1: Bị phạt tù từ 01 năm - 05 năm. 

    Khung 2: Bị phạt tù từ 03 năm - 10 năm khi có các dấu hiệu: 

    - Có tổ chức. 

    - Có tính chất chuyên nghiệp.

    - Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ. 

    - Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng - dưới 200 triệu đồng. 

    - Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 

    - Tái phạm nguy hiểm. 

    Khung 3: Bị phạt tù từ 07 năm - 15 năm khi có các dấu hiệu: 

    - Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng - dưới 500 triệu đồng. 

    - Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. 

    Khung 4: Bị phạt tù từ 12 năm - 20 năm khi có các dấu hiệu sau: 

    - Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên. 

    - Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. 

    Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng - 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

     
    448 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận