Tình huống phát sinh là đang có vướng mắc trong cách xác định khối lượng chất ma túy để khởi tố hình sự đối với cỏ mỹ. Cụ thể chất Xlr-11 được phun lên thảo dược thành cỏ mỹ thì khi cân khối lượng sẽ tính theo hàm lượng chất Xlr-11 trong cỏ mỹ thôi hay cân toàn bộ khối lượng cỏ?
Nguyên tắc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy
Liên quan vấn đề này, tại Điểm i Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 do Quốc hội ban hành có hướng dẫn về việc áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 rằng: Trường hợp chất thu giữ được nghi là chất ma túy ở thể rắn đã được hòa thành dung dịch, chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng, xái thuốc phiện hoặc thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần quy định tại các Điều 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì phải xác định hàm lượng chất ma túy làm cơ sở để xác định khối lượng hoặc thể tích chất ma túy thu giữ được. Đối với các trường hợp khác thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13.
Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018, cụ thể tại Điều 3 nêu các nguyên tắc như sau:
- Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy phải đảm bảo khách quan, khoa học và được thực hiện theo phương pháp, trình tự quy định của Nghị định này.
- Khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy theo quy định của Nghị định này là khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy thu giữ hoặc chứng minh được trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Việc xác định khối lượng thuốc phiện trong xái thuốc phiện, thuốc phiện pha loãng, thuốc phiện pha trộn được tính theo thuốc phiện chứa 10% morphine làm căn cứ quy đổi.
- Tỷ lệ phần trăm về khối lượng hoặc thể tích của từng chất ma túy được tính theo quy định của Nghị định này nếu là số thập phân thì gồm một chữ số sau dấu phẩy và không làm tròn.
Căn cứ theo các quy định trên thì khi xác định khối lượng chất ma túy thì cần căn cứ vào kết luận giám định về hàm lượng để xác định khối lượng chất ma túy làm cơ sở để xử lý hình sự chứ không phải cân toàn bộ nguyên liệu được sử dụng để phối trộn.
Xử lý khi có nhiều chất ma túy dưới mức xử lý hình sự
Đối với trường hợp vụ việc sau khi giám định phát hiện có nhiều chất ma túy nhưng các chất ma túy đều có khối lượng hoặc thể tích dưới mức tối thiểu đối với từng chất đó theo quy định tại khoản 1 Điều 249 hoặc khoản 1 Điều 250 hoặc khoản 1 Điều 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì việc xử lý được áp dụng theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định 19/2018/NĐ-CP theo trình tự như sau:
(1) Tính tỷ lệ phần trăm về khối lượng hoặc thể tích của từng chất ma túy so với mức tối thiểu đối với từng chất đó được quy định tại khoản 1 của một trong các Điều 249, 250, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Sau đó cộng tỷ lệ phần trăm về khối lượng hoặc thể tích của từng chất ma túy lại với nhau để xác định tổng tỷ lệ phần trăm về khối lượng hoặc thể tích của các chất ma túy.
(2) Căn cứ vào tổng tỷ lệ phần trăm về khối lượng hoặc thể tích của các chất ma túy đã được xác định tại điểm a khoản này để xác định tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất ma túy thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của một trong các Điều 249, 250, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015 theo nguyên tắc:
- Nếu tổng tỷ lệ phần trăm về khối lượng hoặc thể tích của các chất ma túy dưới 100%, thì tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất ma túy thuộc trường hợp dưới mức tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều 249; hoặc khoản 1 Điều 250; hoặc khoản 1 Điều 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
- Nếu tổng tỷ lệ phần trăm về khối lượng hoặc thể tích của các chất ma túy từ 100% trở lên, thì cần tiếp tục tính tổng tỷ lệ phần trăm về khối lượng hoặc thể tích của các chất ma túy so với mức tối thiểu đối với từng chất đó được quy định tại khoản 2 của một trong các Điều 249, 250, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015 theo trình tự quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều này.
Theo đó, cần tính tổng lại theo nguyên tắc nêu trên để xem mức xử lý như thế nào. Nếu dưới mức 100% thì khộng chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp xác định hành vi vi phạm theo khối lượng hoặc thể tích.