Phương pháp điều tra các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu

Chủ đề   RSS   
  • #508630 28/11/2018

    TuyenBig
    Top 100
    Female
    Trung cấp

    Bắc Kạn , Việt Nam
    Tham gia:27/03/2018
    Tổng số bài viết (741)
    Số điểm: 27039
    Cảm ơn: 24
    Được cảm ơn 952 lần


    Phương pháp điều tra các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu

    Phương pháp điều tra các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu

    1. Đặc điểm hình sự và những vấn đề cần chứng minh trong điều tra các tội phạm xâm phạm sở hữu.

    1.1. Đặc điểm hình sự các tội phạm xâm phạm sở hữu.

    Ngoài những đặc điểm chung giống các loại tội phạm khác, tội phạm xâm phạm sở hữu còn có những đặc điểm riêng sau đây:

    1.1.1. Đặc điểm về đối tượng phạm tội xâm phạm sở hữu.

    – Phần lớn đối tượng của những vụ án xâm phạm sở hữu là nam giới, có nhiều tiền án, tiền sự, một số bị can không có nơi cư trú nhất định.

    – Thường là những đối tượng côn đồ, lưu manh, hung hãn, có quan hệ gia đình và xã hội phức tạp;

    – Đặc điểm tâm lý: Đa số các đối tượng phạm tội xâm phạm sở hữu có những hành vi liều lĩnh, đặc biệt là đối tượng phạm tội cướp tài sản có hành vi tàn bạo, coi thường tính mạng người khác. Khi thực hiện tội phạm thế hiện tính liều lĩnh cao độ, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng, bằng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

    – Đặc biệt, đối tượng phạm tội xâm phạm sở hữu thường tham gia vào các hoạt động tệ nạn như nghiện ma tuý, cờ bạc, bảo kê gái mại dâm, các nhà hàng, tiệm nhảy…

    1.1.2. Thủ đoạn gây án và che giấu tội phạm:

    *Giai đoạn chuẩn bị gây án:

    Nội dung của giai đoạn chuẩn bị gây án bao gồm:

    – Lựa chọn mục tiêu để thực hiện tội phạm:

    + Đối với những vụ cướp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản bọn chúng thường đi trên đường, đến các nhà ga, bến xe, đón phục ở các đoạn đường vắng để lựa chọn những người có nhiều tài sản để cướp, cướp giật, cưỡng đoạt.

    + Đối với những vụ xảy ra trong nhà, bọn tội phạm thường nhằm vào những gia đình giàu có, các chủ tiệm vàng… sau đó chúng điều tra quy luật sinh hoạt, làm ăn, buôn bán của chủ nhà, tìm hiểu những nơi cất các tài sản để thực hiện hành vi cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, trộm cắp…

    + Đối với những vụ xảy ra ở các kho hàng, kho bạc, ngân hàng thì bọn chúng nghiên cứu kỹ giá trị của các loại tài sản đó, chế độ bảo vệ, đặc điểm địa hình xung quanh khu vực kho hàng, ngân hàng, kho bạc để thực hiện hành vi chiếm đoạt.

    – Chuẩn bị vũ khí, công cụ phương tiện cần thiết để gây án. Mua sắm vũ khí, phương tiện đi lại, bình xịt hơi cay, kìm cộng lực, chìa khoá vạn năng…

    * Giai đoạn gây án:

    – Tiếp cận mục tiêu tấn công bằng các thủ đoạn như bí mật đột nhập, giả danh người mua hàng; giả danh cán bộ Công an, cán bộ kiểm tra điện nước; giả danh cán bộ đưa thư từ, bưu phẩm; giả làm khách hỏi thăm đường… để tiếp cận.

    – Sau khi tiếp cận mục tiêu, chúng thường nhanh chóng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Nếu gặp sự cản trở, chúng tháo chạy, hoặc chủ động tấn công chống trả để chiếm đoạt tài sản hoặc bỏ chạy.

    * Giai đoạn sau khi gây án:

    – Nhanh chóng rút khỏi hiện trường

    – Nhiều trường hợp khi bị truy đuổi bọn tội phạm sử dụng vũ khí chống trả

    – Nhanh chóng cất giấu, tiêu thụ các tài sản đã chiếm đoạt được.

    1.1.3. Địa điểm và thời gian gây án:

    – Địa điểm gây án thường lựa chọn là những nơi có đặc điểm địa hình thuận lợi cho việc xuất hiện, gây án và rút khỏi hiện trường sau khi gây án.

    – Thời gian gây án: thường tập trung chủ yếu trong khoảng từ 17h – 23h

    1.1.4. Những dấu vết phổ biến của vụ án xâm phạm sở hữu

    – Dấu vết chân, dấu vết giày, dép, dấu vết vân tay của thủ phạm,

    – Dấu vết công cụ, phương tiện gây án, dấu vết súng đạn, dấu vết nguồn hơi, dấu vết lục soát tài sản,

    – Dấu vết sinh vật như máu, lông, tóc… trong các vụ cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản;

    – Các loại dấu vết khác như: dấu vết đổ vỡ, thay đổi đồ vật tại hiện trường, dấu vết cỏ, cây bị dập nát…

    – Trường hợp nạn nhân của vụ xâm phạm sở hữu bị thương hoặc bị giết mà trước đó có sự vật lộn, giằng co, chống cự lại thủ phạm thì trên cơ thể của nạn nhân và thủ phạm có thể để lại các dấu vết bầm tím, cào cắn, bông, vải, sợi, máu, lông, tóc…

    – Ngoài ra, trên đường đến hoặc rút chạy khỏi hiện trường của vụ án còn có thể có các loại vũ khí như súng, dao, lựu đạn, dây trói; nhữ ng đồ vật, phương tiện… do thủ phạm vứt lại hoặc đánh rơi.

    1.1.5. Những công cụ, phương tiện và vũ khí mà bọn tội phạm xâm phạm sở hữu thường sử dụng khi gây án:

    Súng, lựu đạn, dao găm, lưỡi lê, kiếm, mã tấu, búa, rìu, gậy gỗ, thanh sắt, côn gỗ, hộp xịt hơi cay, thuốc ngủ, thuốc mê, kìm cộng lực, chìa khoá vạn năng, dây trói, mũ che mặt, găng tay cao su, các loại phương tiện giao thông như xe máy, xe đạp, ô tô và các phương tiện thông tin liên lạc như điện thoại di động

    Việc quyết định sử dụng loại công cụ, vũ khí gây án nào phụ thuộc vào thói quen, sở trường của đối tượng gây án hoặc nhóm đối tượng gây án cũng như mục tiêu, địa điểm… mà chúng dự định và lựa chọn để thực hiện tội phạm.

    1.1.6. Đặc điểm nhân thân người bị hại

    Trong các vụ án xâm phạm sở hữu người bị hại là người bị xâm phạm trực tiếp về tài sản, đối với tội phạm cướp, cưỡng đoạt tài sản, người bị hại bị đe doạ về tinh thần nên họ thường rơi vào tình trạng tinh thần bị hoảng loạn, sợ hãi; trong một số trường hợp họ còn bị đau đớn về thể xác do hành vi sử dụng vũ lực của người phạm tội. Do vậy, đa số người bị hại đều căm ghét người phạm tội, tích cực cộng tác với cơ quan điều tra trong việc cung cấp những thông tin phản ánh về tội phạm, mong muốn cơ quan điều tra nhanh chóng tìm ra thủ phạm và tài sản bị chiếm đoạt.

    Song bên cạnh đó, cũng có một số ít người bị hại vì những nguyên nhân khác nhau như sợ lộ bí mật đời tư, sợ lộ những hành vi phạm tội trước đó của chính người bị hại như: buôn lậu, tham ô… nên thường có hành vi cản trở hoạt động điều tra; không tích cực cộng tác với cơ quan điều tra.

    1.2. Những vấn đề cần chứng minh trong điều tra các tội phạm xâm phạm sở hữu.

    Căn cứ vào các Điều từ 133 đến 145 Bộ luật Hình sự và Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự, trong quá trình điều tra các tội phạm xâm phạm sở hữu cần chứng minh những vấn đề cơ bản sau:

    Một là: Có vụ xâm phạm sở hữu xảy ra hay không?

    Để chứng minh làm rõ vấn đề này cần tiến hành khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai người bị hại, lấy lời khai những người làm chứng… để thu thập tài liệu chứng cứ làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản, vũ khí, công cụ phương tiện mà thủ phạm đã sử dụng khi thực hiện tội phạm, thiệt hại do tội phạm gây ra.

    Hai là: Thời gian và địa điểm xảy ra

    Vấn đề thời gian và địa điểm xảy ra tội phạm xâm phạm sở hữu cần được làm rõ, vì đây là cơ sở để tiến hành những biện pháp điều tra ban đầu, truy bắt người phạm tội theo dấu vết nóng, xác định phạm vi đối tượng gây án, những người làm chứng về vụ án. Để làm rõ thời gian và địa điểm xảy ra tội phạm xâm phạm sở hữu cần tiến hành các biện pháp khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai người bị hại, người làm chứng, hỏi cung bị can.

    Ba là: Thủ đoạn gây án.

    Những tài liệu về thủ đoạn gây án và che giấu tội phạm có thể thu thập được trong quá trình khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai người bị hại, hỏi cung bị

    can…

    Bốn là: Công cụ, phương tiện thủ phạm sử dụng để thực hiện tội phạm.

    Trong quá trình điều tra cần làm rõ được đặc điểm, chủng loại, nguồn gốc của những công cụ, phương tiện và vũ khí mà thủ phạm sử dụng khi gây án. Để thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh làm rõ vấn đề này và phát hiện thu giữ cần tiến hành các biện pháp khám nghiệm hiện trường, khám xét, hỏi cung bị can, trưng cầu giám định…

    Năm là: Những tài sản bị chiếm đoạt.

    Chứng minh làm rõ số lượng, chủng loại, giá trị, đặc điểm, nguồn gốc của những tài sản bị chiếm đoạt là căn cứ để xác định có tội phạm xâm phạm sở hữu xảy ra hay không, mức độ thiệt hại và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Những tài liệu phản ánh về những tài sản bị chiếm đoạt có thể thu thập được thông qua các biện pháp lấy lời khai người bị hại, người làm chứng, khám xét, hỏi cung bị can…

    Sáu là: Người bị hại trong vụ án xâm phạm sở hữu.

    Trong quá trình điều tra cần chứng minh làm rõ người bị hại là ai, trường hợp người bị hại bị thương thì phải làm rõ đặc tính, mức độ thương tích và mối liên hệ nhân quả giữa vết thương tích với hành vi dùng vũ lực của người phạm tội bằng cách trưng cầu giám định. Đặc tính và mức độ thương tích là cơ sở để cá thể hoá hành vi phạm tội, mức độ hình phạt cũng như xác định mức độ bồi thường thiệt hại do hành vi tội phạm gây ra.

    Bảy là: Người thực hiện hành vi phạm tội

    Trong quá trình điều tra cần chứng minh làm rõ những ai là người thực hiện hành vi phạm tội? Họ tên tuổi, địa chỉ của các bị can phạm tội xâm phạm sở hữu, khi thực hiện hành vi phạm tội có đồng phạm hay không? Nếu có đồng phạm cần chứng minh làm rõ vai trò, vị trí của từng bị can trong vụ án. Đặc biệt chú ý làm rõ đặc điểm nhân thân của từng bị can trong vụ án. Khi đánh giá vai trò vị trí của từng bị can trong vụ án cần căn cứ vào nội dung của sự bàn bạc, thoả thuận và hành vi cụ thể của từng bị can trong quá trình gây án. Nếu băng, ổ nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu hoạt động đã lâu thì phải làm rõ được từng giai đoạn hoạt động của băng, ổ nhóm, tất cả những vụ án do băng, ổ nhóm tội phạm gây ra và vai trò của từng đối tượng trong từng vụ án.

    Tám là: Động cơ và mục đích phạm tội.

    Động cơ và mục đích phạm tội xâm phạm sở hữu được phản ánh chủ yếu ở động cơ tư lợi và mục đích chiếm đoạt tài sản, bên cạnh đó cũng có động cơ huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Để làm rõ vấn đề này cần phải đánh giá đặc điểm hành vi phạm tội, quan hệ của thủ phạm với người bị hại, đặc điểm nhân thân của thủ phạm và giá trị của tài sản mà thủ phạm định chiếm đoạt hay đã chiếm đoạt, định huỷ hoại hoặc làm hư hỏng hay đã huỷ hoại hoặc làm hư hỏng.

    Chín là: Chứng minh làm rõ những tình tiết tăng nặng, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, những nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tội phạm.

    Nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện những vấn đề cần chứng minh nêu trên trong từng vụ án sẽ định hướng cho Điều tra viên thực hiện yêu cầu của pháp luật, đó là chứng minh làm rõ sự thật của từng vụ án cụ thể một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Tuy vậy, những vấn đề cần phải chứng minh trong điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu nêu trên chưa phải đã hết. Mức độ cụ thể hoá những vấn đề cần chứng minh này phụ thuộc vào từng điều kiện cụ thể và từng tội danh trong nhóm các tội phạm xâm phạm sở hữu được quy định trong Bộ luật Hình sự.

    2. Tiến hành hoạt động điều tra các tội phạm xâm phạm sở hữu.

    2.1. Giai đoạn điều tra ban đầu

    2.1.1. Tiếp nhận và xử lý tố giác, tin báo về tội phạm.

    Khi tiếp nhận, Điều tra viên cần phải ghi lại nội dung vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đặc biệt chú ý hỏi để làm rõ 6 nội dung chính:

    – Vụ việc đó là vụ việc gì?

    – Tại sao xảy ra, tại sao họ biết được; thời gian xảy ra;

    – Những ai biết được vụ việc đó, họ tên tuổi địa chỉ và số điện thoại của họ và khi cần thì có thể gặp họ ở đâu;

    – Diễn biến của vụ việc đó;

    – Địa điểm xảy ra vụ việc.

    – Kiểm tra tố giác, tin báo và tiến hành một số biện pháp cấp bách.

    Sau khi nhận tin và kiểm tra tin, Điều tra viên gọi điện thoại hoặc bằng các hình thức thích hợp khác đề nghị Công an phường, xã, quận, nhanh chóng tiến hành những biện pháp cấp bách sau:

    – Bảo vệ hiện trường và các dấu vết tại hiện trường;

    – Ngăn chặn hậu quả của vụ phạm tội nếu nó còn tiếp diễn;

    – Giúp đỡ, cấp cứu nạn nhân nếu tính mạng của họ bị đe doạ (đối với những vụ cướp, cướp giật tài sản);

    – Sơ vấn nạn nhân, đặc biệt là những nạn nhân bị thương nặng nếu có;

    – Truy tìm phát hiện người làm chứng của vụ án;

    – Truy bắt thủ phạm theo dấu vết nóng;

    – Sơ vấn đối tượng gây án nếu bị bắt giữ tại hiện trường.

    2.1.2. Khởi tố vụ án hình sự.

    Sau khi hoàn thành những công việc nêu trên, Điều tra viên báo cáo toàn bộ kết quả kiểm tra tố giác, tin báo và những biện pháp đã tiến hành lên thủ trưởng cơ quan điều tra, nếu có đủ cơ sở thì đề nghị khởi tố vụ án, tiến hành điều tra chứng minh sự thật của vụ án.

    2.1.3. Tiến hành những biện pháp cấp bách để truy bắt thủ phạm theo dấu vết nóng.

    Điều tra viên có thể sử dụng những biện pháp sau đây:

    – Kiểm tra người và phương tiện giao thông đi ra từ khu vực hiện trường.

    – Dựa vào đặc điểm nhân dạng của thủ phạm, đặc điểm của những công cụ, phương tiện và đồ vật, tài sản thủ phạm đem theo khi chạy trốn; gọi điện ngay cho các đơn vị Công an ở những tuyến đường, những địa bàn mà thủ phạm có thể chạy tới, yêu cầu phối hợp và tổ chức truy lùng, bắt giữ thủ phạm.

    – Nhanh chóng sử dụng chó nghiệp vụ truy lùng và bắt giữ thủ phạm theo dấu vết nguồn hơi.

    – Huy động các lực lượng như, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát 113… Để đảm bảo phát hiện kịp thời, chính xác và bắt giữ an toàn thủ phạm cần có sự tham gia của người bị hại, người biết đặc điểm nhận dạng thủ phạm trong quá trình truy lùng.

    – Kiểm tra những cơ sở điều trị của các cơ quan y tế và tư nhân nếu thủ phạm bị thương nặng khi gây án hoặc khi đuổi bắt.

    – Nếu thủ phạm đã rõ thì khẩn trương tiến hành kiểm tra nơi ở, nơi làm việc, và tất cả các mối quan hệ của thủ phạm. Bố trí lực lượng mai phục ở những địa điểm này để kịp thời phát hiện và bắt giữ khi thủ phạm xuất hiện.

    2.1.4. Lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng.

    Đối với các vụ phạm tội như cướp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… thì người bị hại theo dõi được hành vi gây án của thủ phạm, nhớ được những đặc điểm bên ngoài; giọng nói; thói quen của chúng, đặc điểm của những công cụ, phương tiện và vũ khí mà chúng sử dụng khi gây án, tài sản bị chiếm đoạt…

    Đối với những vụ trộm cắp thì thường người bị hại có thể cung cấp những thông tin về số lượng, đặc điểm của các loại tài sản bị mất. Vị trí, nơi cất giữ các loại tài sản, những ai biết được việc họ có các tài sản đó, cũng như những thông tin về việc họ có thể nghi cho ai lấy trộm các tài sản đó…

    2.1.5. Khám nghiệm hiện trường.

    – Ở hiện trường những vụ án cướp, cướp giật Điều tra viên phải tập trung lực lượng, phương tiện, kiên trì, tỷ mỷ tìm hiểu dấu vết, vũ khí và đồ vật do thủ phạm bỏ lại. – Đối với hiện trường ở trên đường và ở chỗ đất trống: Sau khi quan sát hiện trường, việc tìm kiếm dấu vết thường được bắt đầu từ điểm đến hiện trường và kết thúc ở điểm rút khỏi hiện trường của thủ phạm. Nếu tìm thấy địa điểm phục kích của thủ phạm thì phải xem xét thật tỷ mỷ để phát hiện dấu vết chân, giày, dép của thủ phạm ở chỗ đất mềm, những giấy tờ, mẩu thuốc lá do thủ phạm để lại.

    – Đối với hiện trường ở trong nhà: Trước khi khám nghiệm hiện trường cần phải tìm nơi mai phục của thủ phạm, có thể tìm thấy dấu vết chân, dấu vết giày, dép, phương tiện giao thông. Trước khi khám nghiệm trong nhà, cần đề nghị người bị hại, chủ nhà đại diện chủ nhà xem xét và xác định những nơi thủ phạm lục soát, tìm kiếm tài sản… Sau đó, tuỳ theo đặc điểm của từng căn nhà có thể tiến hành tìm kiếm dấu vết theo chiều vận động của thủ phạm phạm hay theo ô. Tất cả những đồ vật mà thủ phạm lục soát hoặc chạm tay vào đều phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Khi nghiên cứu cần chú ý phát hiện dấu vết cạy phá, dấu vết vân tay ở trên bề mặt của các đồ vật như hòm, tủ, va ly, túi xách, gương soi… Nếu khi gây án, thủ phạm dùng súng thì phải tập trung lực lượng tìm đầu đạn, vỏ đạn.

    2.1.6. Tập hợp tài liệu ban đầu, lập kế hoạch điều tra.

    Sau khi kết thúc khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên phải khẩn trương tập hợp, nghiên cứu, đánh giá tài liệu, dấu vết, vật chứng thu thập được từ các biện pháp khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai người bị hại, người làm chứng… và các biện pháp trinh sát khác để lập kế hoạch điều tra vụ án. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tài liệu, dấu vết vật chứng Điều tra viên đưa ra những giả thuyết về thời gian, địa điểm xảy ra vụ án, những công cụ, phương tiện và vũ khí mà thủ phạm sử dụng để gây án; nơi cất giấu và tiêu thụ tài sản chiếm đoạt được, thủ phạm của vụ án.

    Trên cơ sở những giả thuyết điều tra, Điều tra viên dự kiến những biện pháp điều tra để kiểm tra từng giả thuyết, những biện pháp trinh sát hỗ trợ và trình tự tiến hành, những phương tiện kỹ thuật, tài chính cần thiết cho hoạt động điều tra.

    Lập kế hoạch điều tra tương ứng với các tình huống phổ biến sau đây:

    – Tình huống thứ nhất: Đối tượng gây án bị bắt quả tang, đã có những tài liệu, chứng cứ chứng minh vụ án xâm phạm sở hữu đã xảy ra.

    – Tình huống thứ hai: Vụ án xâm phạm sở hữu xảy ra có thật, thủ phạm đã rõ hoặc chưa rõ, nhưng đã bỏ trốn, có khả năng truy bắt thủ phạm theo dấu vết nóng.

    – Tình huống thứ ba: Vụ án xâm phạm sở hữu trên thực tế đã xảy ra, đối tượng gây án chưa rõ, không có khả năng truy bắt thủ phạm theo dấu vết nóng.

    Đây là tình huống điều tra phổ biến nhất trong hoạt động điều tra những vụ án xâm phạm sở hữu. Trong tình huống này, nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động điều tra là tiến hành những biện pháp điều tra và những biện pháp trinh sát phối hợp để làm rõ thủ phạm và bắt giữ. Vì vậy, trong bản kế hoạch điều tra cần đưa ra những giả thuyết sau đây:

    Giả thuyết về thủ phạm của vụ án; Giả thuyết về công cụ, phương tiện và vũ khí gây án, tài sản bị chiếm đoạt, nơi cất giấu và tiêu thụ; Giả thuyết về mối liên hệ giữa vụ án với những vụ án khác xảy ra trong địa bàn.

    2.1.7. Tiến hành những biện pháp điều tra và những biện pháp trinh sát hỗ trợ để làm rõ đối tượng gây án.

    – Tiến hành kiểm tra, xác minh những đối tượng nghi có liên quan đến vụ án xâm phạm sở hữu.

    * Việc sử dụng thời gian của đối tượng vào thời điểm xảy ra vụ án?

    * Đối tượng có để lại các dấu vết, đồ vật tại hiện trường không?

    * Trên cơ thể, quần, áo của đối tượng có mang các dấu vết do gây án mà có?

    * Đối tượng có liên quan đến công cụ, phương tiện, vũ khí gây án và tài sản bị chiếm đoạt không?

    * Người bị hại, người chứng kiến vụ án xảy ra có khẳng định đối tượng là thủ phạm của vụ án không?

    + Những biện pháp kiểm tra, xác minh:

    *** Sơ vấn đối tượng nghi vấn; trưng cầu bác sỹ, kỹ thuật viên hình sự kiểm tra trên thân thể, quần áo của đối tượng để phát hiện những dấu vết như: Vết cào, vết cấu, vết cắn, vết xước, vết bẩn, vết rách… Tổ chức nhận dạng đối tượng nghi vấn, trưng cầu giám định nếu thu được những dấu vết, tài liệu ở hiện trường nghi do thủ phạm để lại. Nếu có đủ cơ sở thì xin lệnh khám người; chỗ ở, chỗ làm việc của đối tượng để thu giữ vật chứng của vụ án, truy tìm và lấy lời khai những người làm chứng…

    *** Điều tra viên có thể phối hợp với lực lượng trinh sát tiến hành kiểm tra bí mật người, chỗ ở và nơi làm việc của đối tượng để phát hiện các dấu vết, nơi cất giấu những công cụ, phương tiện và vũ khí gây án, tài sản chiếm được; tiến hành ngoại tuyến, kiểm tra điện thoại, ghi âm bí mật các cuộc đàm thoại của đối tượng, tổ chức cho người bị hại, người làm chứng nhận dạng bí mật đối tượng…

    – Phối hợp với các lực lượng trinh sát xây dựng đặc tình hoặc bố trí màng lưới đặc tình sẵn có của lực lượng trinh sát thâm nhập vào các ổ nhóm tội phạm để xác minh thủ phạm của vụ án xâm phạm sở hữu.

    – Nếu có cơ sở nhận định thủ phạm của vụ án xâm phạm sở hữu tiếp tục gây án thì Điều tra viên phối hợp với lực lượng trinh sát tiến hành mai phục để kịp thời bắt giữ.

    – Khi hỏi cung các bị can bị bắt giữ trong các vụ án khác cần khai thác mở rộng để xác định xem có liên quan đến vụ án xâm phạm sở hữu đang điều tra không?

    – Truy tìm tài sản bị chiếm đoạt, những công cụ, phương tiện và vũ khí mà thủ phạm sử dụng gây án.

    + Gửi thông báo truy tìm những vật cần truy tìm của vụ án đến những đơn vị cơ sở ở những địa bàn mà thủ phạm có thể cất giấu hoặc tiêu thụ.

    + Phối hợp với lực lượng trinh sát, phổ biế n đặc điểm của những vật cần truy tìm cho đặc tình, cơ sở bí mật và yêu cầu những lực lượng này bám sát địa bàn cất giấu, tiêu thụ để truy tìm.

    – Tiến hành nhận dạng: Để xác định thủ phạm của vụ án xâm phạm sở hữu có thể tiến hành cho người bị hại, người làm chứng nhận dạng qua ảnh những đối tượng đang có lệnh truy nã, những đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự với điều kiện họ có thể nhận dạng qua ảnh được. Ngoài ra, Điều tra viên có thể tổ chức cho nhận dạng những tài sản bị chiếm đoạt, những công cụ, phương tiện và vũ khí mà thủ phạm sử dụng khi gây án…

    2.1.8. Khởi tố bị can

    Sau khi đã tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu, tiến hành các biện pháp cấp bách, xác định được đối tượng phạm tội thì ra quyết định khởi tố bị can để áp dụng các biện pháp điều tra đối với bị can. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền khởi tố bị can theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

    2.2. Giai đoạn điều tra tiếp theo nhằm chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội.

    2.2.1. Bắt, khám xét.

    Dựa trên cơ sở tổng hợp, phân tích những tài liệu, chứng cứ, thu thập được từ việc tiến hành những biện pháp điều tra, nếu có đủ cơ sở xác định đối tượng thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu thì khẩn trương lập kế hoạch phá án, ra quyết định khởi tố bị can, tiến hành bắt, khám xét và hỏi cung bị can.

    – Nếu bị can bỏ trốn thì ra Quyết định truy nã và gửi đến Công an các địa phương, đặc biệt ở các địa bàn sinh, trú quán, làm việc của đối tượng, của những bạn bè, người thân của đối tượng, đồng thời có kế hoạch truy bắt:

    + Kiểm tra bí mật hoặc công khai tất cả các địa điểm, các mối quan hệ có khả năng bị can ẩn náu và bố trí lực lượng cần thiết bí mật theo dõi những địa điểm và mối quan hệ này để kịp thời bắt giữ khi bị can xuất hiện.

    + Dùng gia đình, người thân, bạn bè của bị can tác động bị can ra tự thú.

    + Phối hợp với lực lượng trinh sát tiến hành những biện pháp trinh sát cần thiết để làm rõ sự duy trì mối liên hệ giữa gia đình và bị can để tìm ra nơi ẩn náu của bị can.

    + Sử dụng những người là đồng bọn của bị can để tìm ra nơi ẩn náu của bị can nếu những người này sống tự do ở bên ngoài không bị áp dụng những biện pháp cưỡng chế của pháp luật.

    + Kiểm tra những tài liệu về những đối tượng bị bắt giữ trong các hoạt động điều tra, truy nã, tấn công tội phạm… để phát hiện ra bị can của vụ án xâm phạm sở hữu.

    Khi đã phát hiện ra bị can cần có những phương án tối ưu để tiếp cận và bắt giữ bị can nhanh gọn, đảm bảo an toàn. Sau khi bắt được bị can cần phải khám xét ngay người, chỗ ở, của đối tượng để thu giữ công cụ, phương tiện và vũ khí mà bị can sử dụng khi gây án, tài sản đã chiếm đoạt…

    2.2.2. Hỏi cung bị can.

    Cần phải tập trung giải quyết ngay những nhiệm vụ cụ thể sau đây:

    – Làm rõ những đối tượng còn lại của vụ án xâm phạm sở hữu nhất là những vụ cướp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản để có biện pháp truy bắt tiếp.

    – Làm rõ nơi cất giấu những công cụ, phương tiện, vũ khí gây án, tài sản đã chiếm đoạt và những đồ vật khác có liên quan đến vụ án xâm phạm sở hữu đề kịp thời thu giữ.

    – Làm rõ các giai đoạn hoạt động của băng, ổ nhóm, của từng bị can; vai trò, vị trí của từng bị can trong băng, ổ nhóm.

    – Thu thập những tài liệu về hoạt động của những tên tội phạm khác đang tiếp tục gây án. Để giải quyết được nhiệm vụ đặt ra, căn cứ vào tài liệu thu thập được về hành vi phạm tội của bị can, thủ đoạn che giấu tội phạm, đặc điểm nhân thân của bị can, khi tiến hành hỏi cung, Điều tra viên cần chú ý một số chỉ dẫn chiến thuật sau đây:

    + Đối với những vụ án do băng, ổ nhóm gây ra, nếu như những bị can củ a băng, ổ nhóm chưa bắt hết, chưa thu giữ được công cụ, phương tiện, vũ khí gây án, tài sản bị chiếm đoạt hoặc chưa làm rõ hết các đối tượng khác của vụ án, khi hỏi cung phải ưu tiên làm rõ những đối tượng khác trong băng, ổ nhóm để truy bắt tiếp, những tài sản bị chiếm đoạt để thu giữ và thu thập những tài liệu làm cơ sở để bắt những bị can khác của vụ án.

    Trong tình huống này, Điều tra viên nên hỏi cung ngay sau khi bắt được bị can, sử dụng yếu tố bất ngờ trong hỏi cung để làm mất khả năng phân tích, đán h giá của bị can về những tài liệu, chứng cứ mà Điều tra viên đã thu thập được, về chiến thuật của hỏi cung của Điều tra viên để có biện pháp đối phó. Nếu có đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can, thì câu hỏi đầu tiên thường yêu cầu bị can khai ra những đối tượng khác của vụ án, nơi cất giấu những công cụ, phương tiện và vũ khí gây án; những tài sản chiếm đoạt được. Trong tình huống này, kết quả hỏi cung đòi hỏi Điều tra viên có sự phối hợp với các lực lượng trinh sát để xây dựng đặc tình trại giam, sử dụng các biện pháp trinh sát kỹ thuật như BP2, BP3… nhằm nắm bắt diễn biến tư tưởng và thủ đoạn đối phó của bị can đối với hoạt động điều tra, xác định nơi cất giấu hay tiêu huỷ những công cụ, phương tiện và vũ khí gây án, nơi cất giấu hay tiêu thụ những tài sản chiếm đoạt được, làm rõ những đối tượng khác của băng, ổ nhóm.

    + Điều tra viên cần khai thác và sử dụng những mâu thuẫn giữa các bị can trong băng, ổ nhóm để làm rõ tội lỗi của chúng. Bởi vì, giữa các đối tượng băng, ổ nhóm thường có những mâu thuẫn về quyền lợi, địa vị ngôi thứ, đặc điểm cá nhân… đây là đặc điểm có tính quy luật. Mặt khác, đặc điểm tâm lý chung của bọn tội phạm là chúng rất dễ khai báo về hành vi phạm tội của đồng bọn, nhưng lại rất khó khăn khi khai báo về tội lỗi của mình; căn cứ vào đặc điểm này, khi hỏi cung từng bị can, cần khai thác và sử dụng triệt để những mâu thuẫn của bị can đang hỏi với các bị can khác của vụ án để làm rõ hành vi phạm tội của những bị can đó.

    2.2.3. Trưng cầu giám định chuyên môn.

    Các giám định thường được trưng cầu đó là: Giám định dấu vết chân, dấu vết vân tay, dấu vết giày, dép, súng, đạn, giám định tài liệu, vết thương tích…

    2.2.4. Thực nghiệm điều tra.

    Tiến hành thực nghiệm điều tra để kiểm tra tài liệu, chứng cứ thu thập được, thu thập tài liệu, chứng cứ mới của vụ án, kiểm tra và đánh giá giả thuyết điều tra. Trên cơ sở nghiên cứu tài liệu, chứng cứ của vụ án, Điều tra viên có thể tiến hành thực nghiệm điều tra để kiểm tra khả năng theo dõi, nhận biết những tình tiết nào đó trong vụ án của người bị hại, người làm chứng, bị can nhất là các vụ cướp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản.

    Ngoài ra, tiến hành thực nghiệm điều tra còn giúp cho Điều tra viên kiểm tra khả năng thực hiện một hành vi nào đó trong vụ án như: bẻ khoá; vượt tường; trèo theo đường mái nhà; mang vác các đồ vật tài sản cồng kềnh; trói người bị hại cũng như làm rõ quá trình hình thành các loại dấu vết như dấu vết cạy phá, vết bắn, thương tích…

    Kết quả thu được qua thực nghiệm điều tra trong những trường hợp này có ý nghĩa chứng cứ, chứng minh sự thật của vụ án xâm phạm sở hữu.

    2.3. Giai đoạn kết thúc điều tra.

    Căn cứ vào kết quả điều tra, Cơ quan điều tra có thể kết thúc điều tra vụ án bằng việc ra một trong các quyết định sau đây:

    – Đình chỉ điều tra vụ án khi có một trong những căn cứ quy tại khoản 1 Điều 139 Bộ luật Tố tụng hình sự.

    – Đề nghị truy tố đối với những trường hợp có đầy đủ chứng cứ để xác định có tội phạm và bị can. Trong trường hợp này, Điều tra viên được giao nhiệm vụ thụ lý vụ án cần tiến hành làm bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố. Bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố cùng hồ sơ vụ án được gửi đến Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

    Tài liệu được chia sẻ bởi thầy Lưu Hoài Bảo, GV, ThS, Trưởng Bộ môn luật hình sự – Khoa luật – Đại học Vinh

     

     
    16879 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận