Ngày 14/3/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố hà Nội đã ban hành Công văn 677/SGDĐT-CTTT-KHCN về việc cảnh giác với thủ đoạn sử dụng mạng viễn thông để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, tình hình trên địa bàn thành phố Hà Nội dạo gần đây đã xảy ra tình trạng các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông gọi điện và nhắn tin cho người thân, cha, mẹ học sinh thông báo con em trong gia đình bị tai nạn đang cấp cứu hoặc nằm viện, cần chuyển tiền ngay để mổ hoặc nhập viện điều trị nhằm chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn rất tinh vi.
Trước đó, hành vi lừa đảo này cũng xảy ra tương đối phổ biến ở khu vực trong miền nam đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh.
Vậy nên, nhằm phòng, chống hành vi lừa đảo này, tại Công văn 677/SGDĐT-CTTT-KHCN Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai một số nội dung sau:
- Tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, giáo viên, học sinh và khuyến cáo cha, mẹ học sinh trong toàn trường ở tất cả các cấp học nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa với các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo.
- Quán triệt đến cha, mẹ học sinh toàn trường: Nếu trường hợp nhận được cuộc gọi hoặc nhắn tin từ số máy lạ thông báo về việc học sinh là con em của gia đình bị tai nạn đang cấp cứu tại bệnh viện thì cần bình tĩnh xác minh, tuyệt đối không chuyên tiền cho đối tượng với bất kỳ hình thức nào;
- Đồng thời liên hệ ngay với nhà trường để xác minh thông tin chính xác và trình báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giúp đỡ.
- Rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thông tin của cán bộ, giáo viên và học sinh;
- Tăng cường công tác phối hợp thông tin liên lạc giữa nhà trường và gia đình. Thông báo số điện thoại đường dây nóng của trường đến cha, mẹ học sinh và công khai trên cổng thông tin điện tử của trường.
- Có phương án tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin phản ánh về những sự việc và thủ đoạn lừa đảo để thông tin rộng rãi đến cha, mẹ học sinh nhà trường.
Xem chi tiết tại Công văn 677/SGDĐT-CTTT-KHCN ban hành ngày 14/3/2023.
*Tham khảo mức xử phạt đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Pháp luật quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo đó, căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a, c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về mức phạt cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể:
Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2-50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
Mức phạt cao nhất của tội này có thể bị phạt tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác bị xử phạt hành chính như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;
- Công nhiên chiếm đoạt tài sản;
- Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
- Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản;
- Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Mức phạt cao nhất cho Hành vi này có thể đến 05 triệu đồng.
Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung:
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
- Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.
Biện pháp khắc phục hậu quả đối với tội này là:
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;
- Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép;
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.