"Phép vua thua lệ làng" là gì? Trường hợp pháp luật không quy định thì có được áp dụng tập quán?

Chủ đề   RSS   
  • #616873 27/09/2024

    "Phép vua thua lệ làng" là gì? Trường hợp pháp luật không quy định thì có được áp dụng tập quán?

    "Phép vua thua lệ làng" là một trong những điển hình thể hiện mâu thuẫn giữa quyền lực và truyền thống dân gian. Vậy câu tục ngữ này có ý nghĩa gì?

    1. "Phép vua thua lệ làng" là gì?

    Câu tục ngữ "Phép vua thua lệ làng" thường được dùng để chỉ tình trạng phong tục tập quán của một cộng đồng, một làng xã có sức mạnh lớn đến mức có thể vượt qua cả pháp luật của nhà nước. Nói cách khác, đôi khi những quy định, luật lệ của vua (đại diện cho nhà nước) lại không thể áp dụng một cách triệt để vào cuộc sống của người dân, đặc biệt là ở cấp độ làng xã.

    - Phép vua: Chính là đại diện cho pháp luật, chế độ, quy định của nhà nước. Đây là những quy tắc chung được áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ.

    - Lệ làng: Chỉ những phong tục, tập quán, những quy định không thành văn được hình thành và duy trì trong một cộng đồng nhỏ, thường là làng xã. Những quy định này thường mang tính truyền thống, được truyền miệng từ đời này sang đời khác và có sức ràng buộc rất lớn đối với người dân trong làng.

    Câu tục ngữ gồm hai vế “phép vua” và ‘lệ làng” được liên kết với nhau bởi chữ “thua”, tạo nên một phép so sánh khập khiễng, không ngang bằng. Đồng thời nó cũng cho thấy sự mâu thuẫn bởi một quy định mang tính phổ quát chung lại phải “chào thua” những phong tục trong một cộng đồng nhỏ bé.

    Mặc dù mỗi thời mỗi khác, thế nhưng phép vua chính là đại diện cho luật pháp, là điều luật có giá trị bao quát đời sống của toàn bộ người dân trong nước. Trong khi lệ làng là những phong tục văn hóa cổ truyền có từ lâu đời, chỉ giới hạn trong phạm nhỏ hẹp. Và cho dù là luật nước hay lệ làng, thì câu nói này cũng đều mang hàm ý ám chỉ tính kỷ luật.

    2. Trường hợp pháp luật không quy định thì có được áp dụng tập quán?

    Theo quy định tại Điều 5 Bộ luật Dân sự 2015 thì tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.

    Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015.

    Cụ thể, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự bao gồm:

    - Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.

    - Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

    - Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.

    - Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

    - Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

    Ngoài ra, trong trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự. (theo khoản 1 Điều 6 Bộ luật Dân sự 2015)

    Tuy nhiên cần lưu ý, khi xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tình đoàn kết, tương thân, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. (khoản 1 Điều 7 Bộ luật Dân sự 2015).

    Tóm lại, mặc dù câu tục ngữ "Phép vua thua lệ làng" được hình thành trong bối cảnh xã hội nông nghiệp truyền thống, nhưng nó vẫn có những ý nghĩa nhất định trong xã hội hiện đại. Nó nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc tôn trọng truyền thống, văn hóa của từng địa phương, đồng thời cũng cho thấy sự cần thiết của việc xây dựng một hệ thống pháp luật linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền.

     
    509 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận