Căn cứ thông tin bạn cung cấp chưa thể hiện rõ thời điểm bạn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là năm nào, đã có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đăng ký sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa. Nếu bạn đã thực hiện các thủ tục chuyển nhượng và sang tên theo quy định của pháp luật thì ở thời điểm hiện tại bạn cần kiểm tra diện tích đất mà bạn được công nhận trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trên hồ sơ địa chính là 4.6m hay 6.1m.
Trường hợp tất cả các giấy tờ thể hiện rõ thông tin mảnh đất của bạn là 6.1m thì xác định bạn là chủ sử dụng hợp pháp mảnh đất theo quy định của pháp luật. Khi đó, hộ gia đình liền kề không có căn cứ để yêu cầu bạn phân chia mảnh đất này.
Trường hợp ngược lại, các giấy tờ thể hiện thông tin mảnh đất của bạn là 4.6m thì không có căn cứ chứng minh phần diện tích đất dôi ra (1.5m) thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bạn. Trong trường hợp này, hộ gia đình liền kề có thể yêu cầu giải quyết tranh chấp đối với diện tích đất dôi ra. Khi phát sinh tranh chấp đất đai, các bên buộc phải tiến hành hòa giải tranh chấp theo quy định tại Điều 202
Luật Đất đai 2013:
“Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
...
5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”
Trường hợp hòa giải tranh chấp đất đai không thành thì các bên có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại Điều 203
Luật Đất đai 2013:
“Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;"
Như vậy, đối chiếu với trường hợp của bạn, nếu bạn có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong số các giấy tờ theo quy định của pháp luật thì vụ việc của bạn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản.
Sau khi tiến hành giải quyết tranh chấp đất đai và xác định được phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình, bạn có thể tiến hành các thủ tục xây dựng công trình trên đất theo quy định của pháp luật.