Bộ Tư pháp phát hiện Thông tư 30/2020/TT-BYT hướng dẫn Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định và hướng dẫn biện pháp thi hành Luật Bảo hiểm y tế do Bộ Y tế ban hành có nhiều nội dung không phù hợp pháp luật.
Tại kết luận kiểm tra, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp phát hiện một số nội dung không phù hợp pháp luật, cụ thể:
Tại khoản 3 Điều 5 của Thông tư 30/2020/TT-BYT của Bộ Y tế quy định giấy tờ xác định người tham gia bảo hiểm y tế thuộc đối tượng là cựu chiến binh với nhiều loại giấy tờ, như lý lịch quân nhân, thẻ quân nhân, phiếu quân nhân…
Tuy nhiên, căn cứ tại Điều 7a Luật Bảo hiểm y tế, Bộ LĐTBXH được giao thẩm quyền hướng dẫn tổ chức việc xác định đối tượng do Bộ này quản lý. Ở đây là đối tượng “Cựu chiến binh”.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã ban hành Thông tư 30/2019/TT-BLĐTBXH hướng dẫn lập danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do Bộ này quản lý.
Trong đó, tại Điều 5 của Thông tư hướng dẫn giấy tờ làm căn cứ xác định đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đối với Cựu chiến binh là “Căn cứ vào quyết định hưởng chế độ trợ cấp của cơ quan có thẩm quyền”.
Do đó, theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 30/2020/TT-BYT của Bộ Y tế là chưa phù hợp về thẩm quyền, và một số nội dung không phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo với Thông tư 30/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Trường hợp Bộ Y tế xét thấy việc ban hành các loại giấy tờ nêu trên là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế thì cần trao đổi, kiến nghị Bộ LĐTBXH nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định, bảo đảm phù hợp về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ, ngành và tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Song, tại khoản 3 Điều 8 Thông tư 30/2020/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về một số điều kiện của nội dung văn bản thoả thuận đối với người hành nghề không thuộc trường hợp được quy định trước đó tại Thông tư 30/2020/TT-BYT cũng có vấn đề.
Theo đó, văn bản thỏa thuận chỉ được cơ quan, đơn vị ký với cơ sở khám, chữa bệnh, hoặc với cá nhân thực hiện kiêm nhiệm khám, chữa bệnh trong chăm sóc sức khỏe ban đầu thuộc một trong các trường hợp sau: Cơ sở khám, chữa bệnh có trụ sở trên cùng địa bàn xã với cơ quan, đơn vị đó, hoặc có trụ sở trên địa bàn của xã giáp ranh.
Người hành nghề khám, chữa bệnh có đăng ký hành nghề trong giờ hành chính trên địa bàn xã nơi cơ quan, đơn vị đặt trụ sở, hoặc có đăng ký hành nghề trong giờ hành chính trên địa bàn của xã giáp ranh.
Tuy nhiên, kết luận kiểm tra của Bộ Tư pháp chỉ ra rằng Điều 34 Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế chỉ quy định điều kiện về con người mà các cơ quan, đơn vị phải đáp ứng để được cấp kinh phí từ quỹ bảo hiểm y tế để thực hiện khám, chữa bệnh trong chăm sóc sức khỏe ban đầu; và không giới hạn phạm vi địa bàn hoạt động mà người hành nghề khám, chữa bệnh đăng ký hoặc địa điểm đặt trụ sở của cơ sở khám, chữa bệnh.
Do đó, quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư 30/2020/TT-BYT của Bộ Y tế không phù hợp với Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ, tác động đến quyền tự do thoả thuận của các bên trong quá trình hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương xử lý nội dung trái pháp luật của Thông tư 30/2020/TT-BYT đã nêu trên.
Đồng thời, rà soát quá trình thực hiện Thông tư 30/2020/TT-BYT để có biện pháp khắc phục hậu quả nếu có; xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật theo quy định.
Trên đây là một số điều không phù hợp trong Thông tư 30/2020/TT-BYT hướng dẫn Nghị định 146/2018/NĐ-CP được Bộ Tư pháp phát hiện và nêu rõ.
Nguồn: Báo Pháp luật