>>> Tập hợp văn bản hướng dẫn 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
Quy định mới này được đề cập tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, đối với hành vi kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định trong quá trình hoạt động kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng.
Dự thảo Nghị định này cũng sửa đổi, làm rõ một số khái niệm như sau:
Phân biệt giữa Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy phép kinh doanh
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh gồm giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; giấy phép đầu tư; giấy chứng nhận đầu tư; giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện; giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
- Giấy phép kinh doanh gồm giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, văn bản xác nhận; giấy phép, hạn ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu, các hình thức văn bản khác quy định các điều kiện mà cá nhân, tổ chức phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật trừ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh quy định trên.
Định nghĩa lại thế nào là hàng giả?
Hàng giả bao gồm:
- Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hoá không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
- Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng, đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
- Thuốc giả theo quy định tại Khoản 33 Điều 2 của Luật Dượcnăm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại Khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;
- Thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
- Hàng hoá có nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá giả mạo tên, địa chỉ thương nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hoá; giả mạo mã số đăng ký lưu hành hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;
- Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
- Tem, nhãn, bao bì giả.
Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là gì?
Là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hoá bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hoá, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hoá hoặc giao dịch dân sự giữa người sản xuất hàng hoá với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.”
Thêm định nghĩa cố ý vi phạm hành chính
Cố ý vi phạm hành chính là vi phạm hành chính trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm nhận thức rõ hành vi của mình là trái quy định pháp luật về quản lý nhà nước, thấy trước hậu quả nguy hại cho xã hội của hành vi đó và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra.
Mời các bạn xem chi tiết Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại file đính kèm cùng Tờ trình Dự thảo.