Hiện nay, việc phòng cháy chữa cháy cơ sở là điều cấp thiết, bởi nhiều tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến những vụ cháy thương tâm. Vậy nên pháp luật đã quy định như thế nào về lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở?
Lực lượng phòng cháy chữa cháy gồm những ai?
Căn cứ Điều 43 Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 24 Điều 1 Luật phòng cháy chữa cháy sửa đổi 2013 có quy định lực lượng phòng cháy và chữa cháy là lực lượng nòng cốt trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy của toàn dân bao gồm:
- Lực lượng dân phòng;
- Lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở;
- Lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;
- Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
Như vậy, lực lượng phòng cháy chữa cháy sẽ là lực lượng đi đầu, nòng cốt trong hoạt động phòng cháy chữa cháy của nước ta.
Nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở là gì?
Căn cứ Điều 45 Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 có quy định về nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy chữa cháy như sau:
- Đề xuất việc ban hành quy định, nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào quần chúng tham gia phòng cháy và chữa cháy.
- Kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định, nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
- Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
- Xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chữa cháy khi có cháy xảy ra; tham gia chữa cháy ở địa phương, cơ sở khác khi có yêu cầu.
Theo đó, lực lượng phòng cháy chữa cháy sẽ các nhiệm vụ như tuyên truyền kiến thức phòng cháy chữa cháy, huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy,.. và một số nhiệm vụ khác theo quy định nêu trên.
Quy định về thành lập, quản lý lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở như thế nào?
Căn cứ Điều 44 Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 25 Điều 1 Luật phòng cháy chữa cháy sửa đổi 2013 có quy định thành lập, quản lý lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở như sau:
- Tại thôn phải thành lập đội dân phòng. Đội dân phòng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập, quản lý.
- Tại cơ sở phải thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở. Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định thành lập, quản lý.
- Đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành là đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở được tổ chức để đáp ứng yêu cầu hoạt động đặc thù của cơ sở do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định thành lập, quản lý.
Tại các cơ sở sau đây phải thành lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành:
+ Cơ sở hạt nhân;
+ Cảng hàng không, cảng biển;
+ Cơ sở khai thác và chế biến dầu mỏ, khí đốt;
+ Cơ sở khai thác than;
+ Cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ;
+ Các cơ sở khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
- Quyết định thành lập đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành phải được cơ quan ban hành gửi tới cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy quản lý địa bàn đó.
Như vậy, có thể thấy việc thành lập và quản lý lực lực phòng cháy chữa cháy cơ sở rất chặt chẽ để đảm bảo các hoạt động về phòng cháy chữa cháy diễn ra thuận lợi hơn.
Từ những căn cứ nêu trên, có thể thấy việc phòng cháy chữa cháy tại cơ sở là rất quan trọng. Không chỉ lực lượng phòng cháy chữa cháy mà mỗi chúng ta đều phải trang bị cho mình kiến thức về phòng cháy chữa cháy, đảm bảo những tình huống xấu không xảy ra.