Từ ngày 01/01/2017, thực hiện theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Thông tư 127/2015/TT-BTC hướng dẫn cấp mã số thuế và phân công cơ quan quản lý thuế hết hiệu lực. Theo đó, sẽ thay thế bằng một Thông tư mới hướng dẫn phân công cơ quan thuế quản lý đối với người nộp thuế.
Cụ thể, tùy theo đối tượng nộp thuế và loại thuế sẽ có cơ quan quản lý thuế phù hợp, phân chia 3 cơ quan quản lý thuế như sau:
1. Tổng Cục Thuế
- Thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi được chia cho nước chủ nhà và các khoản thu khác từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu, khí.
- Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do các cơ quan nhà nước trung ương thực hiện; các khoản phí thu từ hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước trung ương thực hiện nộp ngân sách theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và pháp luật có liên quan.
- Lệ phí do các cơ quan nhà nước trung ương thu, trừ lệ phí trước bạ;.
- Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định pháp luật do các cơ quan nhà nước trung ương thực hiện.
- Thu từ bán tài sản nhà nước, kể cả thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý.
- Thu từ tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương xử lý.
- Các khoản thu hồi vốn của ngân sách trung ương đầu tư tại các tổ chức kinh tế; thu cổ tức, lợi nhuận được chia tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương đại diện chủ sở hữu; thu phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp nhà nước do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương đại diện chủ sở hữu; chênh lệch thu lớn hơn chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Các khoản thu khác theo quy định pháp luật.
2. Cục Thuế
2.1. Đối với doanh nghiệp:
- Doanh nghiệp nhà nước (100% vốn nhà nước).
Riêng doanh nghiệp có phần vốn góp của nhà nước, Cục Thuế căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để đề xuất phân công cơ quan thuế quản lý đối với doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo Luật Đầu tư có quy mô lớn.
- Doanh nghiệp khác (trừ doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có quy mô kinh doanh lớn.
- Doanh nghiệp dự án BOT, BTO, BT do nhà đầu tư thành lập để thiết kế, xây dựng, vận hành, quản lý công trình dự án và để thực hiện dự án khác theo quy định của pháp luật về đầu tư.
- Doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chính thuộc ngành, nghề kinh doanh đặc thù, có tính chất pháp lý phức tạp như: hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, kinh doanh bất động sản, kế toán, kiểm toán, hoạt động pháp luật, khai khoáng theo phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
- Doanh nghiệp thành lập và hoạt động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao thuộc cơ quan cấp trung ương quản lý.
- Doanh nghiệp hoạt động trên nhiều địa bàn kê khai tập trung tại trụ sở chính và phân bổ số nộp ngân sách cho các địa bàn.
Hiện nay, do việc phân công này vẫn còn nằm trong Dự thảo, có 3 ý kiến trái chiều về việc phân công cơ quan quản lý thuế đối với các doanh nghiệp này.
Ý kiến 1: Căn cứ vào quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp để phân công.
Ý kiến 2: Doanh nghiệp vừa và nhỏ theo phương thức kê khai thuế GTGT theo quý do Chi Cục Thuế quản lý, còn theo tháng do Cục Thuế quản lý.
Ý kiến 3: Phân công quản lý thuế theo doanh nghiệp vừa và nhỏ theo quy định pháp luật về doanh nghiệp.
2.2. Đối với người nộp thuế là các cơ quan, tổ chức khác:
- Tổ chức có hoạt động sản xuất kinh doanh và tổ chức được giao nhiệm vụ thu phí, lệ phí (trừ lệ phí trước bạ) do UBND cấp tỉnh ra Quyết định thành lập trừ các khoản phí, lệ phí do Tổng Cục Thuế quản lý.
- Chủ dự án ODA, Văn phòng đại diện nhà tài trợ dự án ODA, Nhà thầu nước ngoài thực hiện dự án ODA.
- Tổ chức trả thu nhập khấu trừ nộp thuế thu nhập cá nhân, gồm: Cơ quan Trung ương; cơ quan thuộc, trực thuộc Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh; cơ quan cấp tỉnh; Các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài.
2.3. Đối với cá nhân:
- Cá nhân nước ngoài sử dụng tiền viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của nước ngoài mua hàng hoá, dịch vụ có thuế GTGT ở Việt Nam để viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo.
- Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công (cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công do các tổ chức Quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam trả nhưng tổ chức này chưa thực hiện khấu trừ thuế; cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công do các tổ chức, cá nhân trả từ nước ngoài (trường hợp cá nhân không làm việc tại Việt Nam).
3. Chi Cục Thuế
Chi cục Thuế trực tiếp quản lý các người nộp thuế còn lại sau khi trừ các người nộp thuế do Tổng cục Thuế và Cục Thuế quản lý có địa điểm hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn cấp huyện.
Lưu ý: Đối với người nộp thuế là chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp và tổ chức
- Nếu chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc cùng địa bàn cấp tỉnh/thành phố với nơi doanh nghiệp đóng trụ sở thì phân công cơ quan thuế quản lý chi nhánh theo cơ quan thuế quản lý của doanh nghiệp.
- Nếu chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc không cùng địa bàn cấp tỉnh/thành phố với nơi doanh nghiệp đóng trụ sở thì phân công cơ quan thuế quản lý chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc theo cấp của cơ quan thuế quản lý của doanh nghiệp (doanh nghiệp do Cục Thuế quản lý thì chi nhánh, văn phòng đại diện cũng do Cục Thuế quản lý).
=> Chỗ lưu ý này mình thấy có gì đó không ổn các bạn nhỉ? Thấy 2 trường hợp nhưng đi đến cùng một kết quả?
Các bạn có thể xem chi tiết tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc phân công cơ quan thuế quản lý đối với người nộp thuế tại file đính kèm.
Cập nhật bởi trang_u ngày 28/05/2016 03:47:14 CH