Khi cùng nhau góp vốn, việc chia sẻ lợi nhuận một cách công bằng và minh bạch là điều vô cùng quan trọng để đảm bảo mối quan hệ hợp tác lâu dài.
(1) Hộ kinh doanh là gì?
Hiện nay không có quy định nào nêu khái niệm về hộ kinh doanh, tuy nhiên, tại Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có nêu quy định về việc thành lập hộ kinh doanh như sau:
Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
Dựa vào quy định này, có thể hiểu hộ kinh doanh là một hình thức tổ chức kinh doanh nhỏ, được thành lập bởi một cá nhân hoặc các thành viên trong hộ gia đình.
Hộ kinh doanh chịu trách nhiệm toàn bộ bằng tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
Trong trường hợp có nhiều thành viên cùng thành lập hộ kinh doanh, một thành viên sẽ được ủy quyền làm đại diện cho hộ kinh doanh và người này sẽ được xem là chủ hộ kinh doanh trên mặt pháp lý.
Tuy nhiên, thực tế, chủ hộ kinh doanh chỉ là đại diện pháp luật cho hộ kinh doanh trong các quan hệ pháp luật. Các thành viên tham gia thành lập hộ kinh doanh vẫn có thể cùng nhau quản lý và điều hành hoạt động của hộ theo thỏa thuận giữa họ. Và những thành viên trong hộ kinh doanh không nhất thiết phải là những thành viên trong cùng một hộ gia đình.
(2) Phân chia lợi nhuận khi góp vốn thành lập hộ kinh doanh như thế nào?
Khác với doanh nghiệp, hộ kinh doanh không được coi là tổ chức kinh tế. Do đó, pháp luật không quy định về tỷ lệ góp vốn, quyền và nghĩa vụ của từng thành viên tương ứng với tỷ lệ góp vốn đó.
Vì vậy, việc góp vốn và phân chia lợi nhuận hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các thành viên.
Để đảm bảo không có tranh chấp, mâu thuẫn về vấn đề phân chia lợi nhuận, các thành viên trong hộ kinh doanh nên lập một văn bản thỏa thuận về cách thức và tỉ lệ phân chia lợi nhuận như chia đều cho tất cả thành viên hay chia theo tỉ lệ vốn góp như doanh nghiệp.
Ngoài ra, hộ kinh doanh cũng cần phải thỏa thuận rõ ràng về nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi thành viên và thời điểm bắt đầu có nghĩa vụ này là khi nào (khi bắt đầu góp vốn hay khi bắt đầu kinh doanh) trong trường hợp có rủi ro xảy ra.
(3) Hộ kinh doanh có tư cách pháp nhân không?
Theo quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan;
- Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 Bộ luật Dân sự 2015;
- Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
- Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Chiếu theo quy định về hộ kinh doanh đã nêu ở mục (1), hộ kinh doanh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.
Như vậy, hộ kinh doanh không có tài sản độc lập giữa cá nhân và hộ kinh doanh.
Do đó, hộ kinh doanh không đủ điều kiện để có tư cách pháp nhân, hay có thể nói, hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân.
Vì không có tư cách pháp nhân, hộ kinh doanh sẽ không có con dấu như doanh nghiệp, không có văn phòng đại diện, không được thành lập chi nhánh và không thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp khác.