Tội trộm cắp tài sản, Cướp tài sản và Cướp giật tài sản là 03 tội danh khác nhau được quy định trong Bộ luật Hình sự. Nhằm giúp cho bạn đọc phân biệt được sự khác nhau giữa 03 tội này, cùng tham khảo qua bài viết dưới đây.
Các tiêu chí phân biệt Tội trộm cắp tài sản, Cướp tài sản và Cướp giật tài sản theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Tiêu chí
|
Trộm cắp tài sản
|
Cướp tài sản
|
Cướp giật tài sản
|
Căn cứ pháp lý
|
Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
|
Điều 168 BLHS 2015
|
Điều 171 BLHS 2015
|
Hành vi
|
Hành vi được thực hiện lén lút,kín đáo, che giấu nạn nhân và những người xung quanh
|
Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản
|
Lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc có thể tự mình tạo ra những sơ hở để thực hiện hành vi công khai chiếm đoạt tài sản đang sau đó nhanh chóng tẩu thoát.
(Người phạm tội không dùng vũ lực, không đe dọa dùng vũ lực cũng không làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự.)
|
Tính chất
|
Chỉ nhắm vào tài sản, không gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe nạn nhân
|
Nhắm vào tài sản, nhưng xâm phạm đến sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của nạn nhân
|
Nhắm vào tài sản, có thể xâm phạm đến sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của nạn nhân
|
Giá trị tài sản để bị xử lý hình sự
|
Tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên
Hoặc dưới 2 triệu đồng nếu thuộc các trường hợp sau:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
- Tài sản là di vật, cổ vật.
|
Không có giá trị tối thiểu
|
Không có giá trị tối thiểu
|
Khung hình phạt
|
Từ cải tạo không giam giữ đến 20 năm tù
|
Từ 3 năm tù đến chung thân
|
Từ 1 năm tù đến chung thân
|
Tải bảng tiêu chí
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/01/27/Ph%C3%A2n%20bi%E1%BB%87t.docx
Tội trộm cắp tài sản
Căn cứ tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, như sau:
Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
- Tài sản là di vật, cổ vật.
Khung hình phạt cao nhất đối với Tội trộm cắp tài sản lên đến 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Tội cướp tài sản
Căn cứ tại Điều 168 BLHS 2015 quy định:
Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Khung hình phạt cao nhất đối với Tội cướp tài sản lên đến 20 năm tù hoặc chung thân.
Ngoài ra, người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01- 05 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tội cướp giật tài sản
Căn cứ tại Điều 171 BLHS 2015 quy định người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01- 05 năm.
Khung hình phạt cao nhất cho Tội cướp giật tài sản lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng.
Trường hợp người phạm hành hung chỉ nhằm tẩu thoát thì phạm tội cướp giật tài sản hay cướp tài sản?
Tội cướp giật tài sản trong một số trường hợp có thể chuyển hóa thành Tội cướp tài sản, cụ thể cần phân biệt:
- Nếu người phạm tội có hành vi hành hung chỉ nhằm mục đích tẩu thoát, thì vẫn phạm tội cướp giật tài sản với tình tiết định khung tăng nặng: Hành hung để tẩu thoát.
- Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản; chiếm đoạt được tài sản nhưng đã bị nạn nhân hoặc người khác giành lại mà người phạm tội vẫn tiếp tục dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt bằng được tài sản thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản.
Như vậy, đối với trường hợp người cướp giật tài sản bị phát hiện, có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc chiếm bằng được tài sản thì phạm tội cướp tài sản theo Điều 168 BLHS 2015.