Cục Chăn Nuôi cho biết, dù chưa có chế tài xử phạt cụ thể, nhưng việc kê khai là bắt buộc và cần thiết, khi triển khai Luật Chăn nuôi; dù chỉ nuôi 1 con chó, hoặc 1 con mèo cũng phải đăng kí.
Thông tư số 23 hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi có phụ lục cụ thể về loại vật nuôi và số lượng vật nuôi tối thiểu phải kê khai.
Theo đó, loại vật nuôi có số lượng tối thiểu như chó, mèo, trâu, bò, ngựa, đà điểu, hươu sao, chim yến, dù nuôi 1 con vẫn phải thực hiện kê khai. Với chăn nuôi heo, nuôi 5 con heo thịt, hoặc 1 heo nái, hoặc 1 heo đực phải kê khai.
Tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến luật chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn tổ chức ở TP.HCM ngày 18/5, ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết thống kê đang là vấn đề lớn trong quản lý chăn nuôi hiện nay.
Lâu nay, vẫn có ý kiến đánh giá số liệu thống kê có sự chênh lệch nhất định từ Trung ương cho tới địa phương, hay số liệu của các cơ quan, ban ngành khác nhau.
Ông Dương nêu ví dụ, như ngành chăn nuôi ở Mỹ, họ cập nhật số liệu đàn vật nuôi thông qua quy đổi số liệu từ các cơ sở giết mổ. "Nhưng ở Việt Nam hiện nay có hơn 30.000 cơ sở giết mổ, việc thống kê là rất khó khăn. Nhất là với gia cầm, việc cắt tiết vặt lông còn đơn giản hơn nữa", ông Dương nói.
Theo Cục Chăn nuôi, việc xây dựng cơ sở dữ liệu từ hoạt động kê khai nhằm giúp ích cho công tác thống kê, đồng thời giúp nông dân tiếp cận dần với pháp luật.
Vấn đặt ra là hình thức xử phạt như thế nào khi không kê khai vì vẫn chưa có chế tài cụ thể. Có ý kiến cho rằng nếu chỉ phạt ở mức cảnh cáo thì thôi đừng phạt. Còn nếu phạt thì phạt như thế nào cho hợp lý.
Cách thức triển khai như thế nào để luật đi vào cuộc sống cần sự đóng góp ý kiến từ các địa phương.
"Có thể phải thực hiện tiếp một hội chuyên đề cho công tác này vì thay đổi thói quen không thể 1 sớm 1 chiều", ông Dương cho biết.
Điều 54 của Luật Chăn nuôi quy định phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã. Việc kê khai được thực hiện từ ngày 25 đến ngày 30 của tháng cuối quý.
Nguyễn Vy
Theo Báo Dân Việt