Nước tăng lực có phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hay không?

Chủ đề   RSS   
  • #614604 28/07/2024

    Nước tăng lực có phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hay không?

    Nước tăng lực có phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hay không? Thuế tiêu thụ đặc biệt kê theo tháng hay theo từng lần phát sinh? Đồng tiền để sử dụng để khai thuế, nộp thuế?

    1. Nước tăng lực có phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hay không?  

    Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008. Theo đó, các loại hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gồm:

    - Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm.

    - Rượu.

    - Bia.

    - Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng.

    - Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3.

    - Tàu bay, du thuyền.

    - Xăng các loại.

    - Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống.

    - Bài lá.

    -Vàng mã, hàng mã.

    Như vậy, nước tăng lực không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành.

    2. Thuế tiêu thụ đặc biệt kê theo tháng hay theo từng lần phát sinh?

    Căn cứ khoản 1, khoản 4 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế khai theo tháng, trừ các trường hợp phải kê khai theo từng lần phát sinh đối với:

    - Thuế tiêu thụ đặc biệt của người nộp thuế có kinh doanh xuất khẩu chưa nộp thuế tiêu thụ đặc biệt ở khâu sản xuất sau đó không xuất khẩu mà bán trong nước. Thuế tiêu thụ đặc biệt của cơ sở kinh doanh mua xe ô tô, tàu bay, du thuyền sản xuất trong nước thuộc đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng sau đó chuyển mục đích sử dụng sang đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

    - Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không phải khai theo từng lần phát sinh thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

    Như vậy, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế khai theo tháng, trừ những trường hợp kê kê khai theo từng lần phát sinh thì thực hiện theo quy định.

    3. Đồng tiền để sử dụng để khai thuế, nộp thuế?

    Căn cứ Điều 7 Luật Quản lý thuế 2019. Theo đó, đồng tiền khai thuế, nộp thuế là Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp được phép khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi.

    Người nộp thuế hạch toán kế toán bằng ngoại tệ theo quy định của Luật Kế toán 2015 phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch.

    Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đồng tiền nộp thuế là Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp được phép khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Tỷ giá tính thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.

    Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định đồng tiền khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi quy định tại khoản 1, khoản 3 và tỷ giá giao dịch thực tế quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Quản lý thuế 2019.

    Như vậy, đồng tiền khai thuế, nộp thuế là Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp được phép khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi nhưng phải thực hiện theo quy định.

    Tóm lại, nước tăng lực không phải là hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 gram trong 100ml. Mức thuế dự kiến là 10%. Do đó, có thể trong thời gian tới nước tăng lực sẽ được xếp vào danh sách hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

     
    46 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận