Nộp lại tài sản tham nhũng có thoát tội?
Mời các bạn trở lại với mục giải đáp những thắc mắc, nhầm lẫn thường gặp trên DanLuat. Qua vụ việc công ty Sadeco gây thiệt hại 940 tỷ và đã khắc phục hậu quả, bài viết sẽ làm rõ việc “nộp lại tài sản tham nhũng” (hay khắc phục hậu quả) và miễn trách nhiệm hình sự có liên quan gì đến nhau không?
Các tội liên quan đến tài sản tham nhũng được quy định thế nào?
Khi nhắc đến việc “nộp lại tài sản tham nhũng”, có hai tội cần lưu ý, đó là tội “Tham ô tài sản” và tội “Nhận hối lộ” quy định tại các Điều 353 và 354 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:
- Tội Tham ô tài sản có cấu thành cơ bản là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý”
=> Hình phạt dành cho tội này thấp nhất là phạt tù 2 năm, cao nhất có thể bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, hoặc
+ Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên
- Tội Nhận hối lộ có cấu thành cơ bản là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”
=> Hình phạt dành cho tội này thấp nhất là phạt tù 2 năm, cao nhất là bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu:
+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc
+ Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
Có thể thấy, thực chất tất cả các tội phạm tham nhũng mà chúng ta nghe thấy trên TV, báo chí mà thiệt hại đều lên tới hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng đều có thể được xét vào khung cao nhất – khung tử hình.
Nộp lại tài sản tham nhũng thì sao?
Về việc nộp lại phần tài sản phi pháp này, Khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự 2015 quy định:
“3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
…
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.”
Tuy nhiên, tại Khoản 4, Bộ luật này quy định những người được miễn án tử trong trường hợp trên sẽ được chuyển hình phạt tử hình thành “chung thân”, tức hoàn toàn không có chuyện nộp lại tài sản tham nhũng sẽ được tại ngoại, hay thoát tội như nhiều người lầm tưởng.
Mới đây, tại Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn xác định “Chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ” như sau:
“Chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ” là trường hợp người phạm tội đã tự mình nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ sau khi phạm tội. Cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ đối với trường hợp người phạm tội sau khi phạm tội đã tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại hoặc không phản đối việc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản mà mình tham ô, nhận hối lộ.
Đối với trường hợp trong cùng vụ án, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội, trong đó có tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ và tội khác, nhưng đã chủ động nộp lại số tài sản bằng ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ thì cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ, trừ trường hợp có căn cứ rõ ràng xác định tài sản có nguồn gốc từ tội phạm khác.”
Như vậy, có thể thấy việc nộp lại tài sản tham ô, nhận hối lộ thậm chí có thể được thực hiện bởi người nhà của người phạm tội, tuy nhiên nó không giúp người phạm tội thoát án, mà chỉ giúp họ được miễn hình phạt tử hình và chuyển sang hình phạt tù chung thân.
Cập nhật bởi hiesutran159 ngày 19/01/2021 05:06:57 CH