Ngày 01/07/2024, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư 07/2024/TT-TTCP quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
1. Nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân
Theo đó, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân được quy định tại Điều 10 Thông tư 07/2024/TT-TTCP bao gồm:
- Nội dung quản lý nhà nước về tiếp công dân
+ Công tác tham mưu, xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện quy định về tiếp công dân (nếu có);
+ Theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh;
+ Thực hiện quy định tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với người tiếp công dân.
- Hoạt động tổ chức công tác tiếp công dân
+ Thực hiện trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân; thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân bao gồm: ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân; bố trí trụ sở, địa điểm tiếp công dân; mở sổ ghi chép công tác tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị và công tác tiếp công dân thường xuyên; công khai lịch tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị; ban hành thông báo kết luận tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị (nếu có);
+ Tiếp công dân định kỳ và đột xuất của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị;
+ Xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.
2. Nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại
Nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại được quy định tại Điều 11 Thông tư 07/2024/TT-TTCP bao gồm:
- Nội dung quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại
+ Công tác tham mưu, xây dựng, ban hành và hướng dẫn việc thực hiện quy định về khiếu nại thuộc thẩm quyền (nếu có);
+ Theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình khiếu nại và kết quả giải quyết khiếu nại;
+ Lập, quản lý, khai thác, sử dụng và lưu trữ hồ sơ vụ việc giải quyết khiếu nại.
- Hoạt động giải quyết khiếu nại
+ Thụ lý giải quyết khiếu nại;
+ Chấp hành quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại;
+ Tổ chức đối thoại;
+ Thực hiện quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại;
+ Công khai quyết định giải quyết khiếu nại;
+ Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; xử lý vi phạm pháp luật về khiếu nại (nếu có);
+ Xử lý vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, tồn đọng, kéo dài (nếu có).
3. Nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tố cáo
Nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại được quy định tại Điều 12 Thông tư 07/2024/TT-TTCP bao gồm:
- Nội dung quản lý nhà nước về công tác giải quyết tố cáo
+ Công tác tham mưu, xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện quy định về tố cáo thuộc thẩm quyền (nếu có);
+ Theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình tố cáo và kết quả giải quyết tố cáo;
+ Lập, quản lý, khai thác, sử dụng và lưu trữ hồ sơ vụ việc giải quyết tố cáo.
- Hoạt động giải quyết tố cáo
+ Tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo;
+ Chấp hành quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo;
+ Thụ lý tố cáo, thực hiện trình tự, thủ tục xác minh nội dung tố cáo và thời hạn giải quyết tố cáo;
+ Tiếp nhận, xử lý thông tin có nội dung tố cáo;
+ Ban hành kết luận nội dung tố cáo và xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo;
+ Bảo vệ người tố cáo;
+ Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.
=> Trên đây là quy định mới về nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.
Thông tư 07/2024/TT-TTCP có hiệu lực từ ngày 15/08/2024 và thay thế Thông tư 07/2021/TT-TTCP.