Quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự theo Luật Phòng thủ dân sự 2023 bao gồm các nội dung quan trọng như xây dựng, ban hành và thực hiện văn bản pháp luật, chiến lược, kế hoạch nhằm bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa từ thiên tai, sự cố và thảm họa. Trong đó, quy định cụ thể về vào trò của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan địa phương.
1. Nội dung quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự
Căn cứ Điều 42 Luật Phòng thủ dân sự 2023 thì nội dung quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự bao gồm:
- Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự; xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, kế hoạch phòng thủ dân sự;
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức về phòng thủ dân sự;
- Tổ chức đào tạo, huấn luyện, diễn tập, xây dựng lực lượng, công trình và bảo đảm trang thiết bị phòng thủ dân sự;
- Hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự;
- Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, khen thưởng về phòng thủ dân sự.
Bên cạnh đó, trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự được quy định như sau:
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự trong phạm vi cả nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự thuộc phạm vi lĩnh vực được phân công trong phạm vi cả nước;
- Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự tại địa phương.
2. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng về phòng thủ dân sự
Theo Điều 43 Luật Phòng thủ dân sự 2023 thì Bộ Quốc phòng là đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự; chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
- Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự thuộc lĩnh vực quản lý;
- Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các vấn đề liên ngành về phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật;
- Xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự, Kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia; hướng dẫn Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương xây dựng kế hoạch, bảo đảm trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự thuộc lĩnh vực được phân công trong phạm vi cả nước;
- Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, huấn luyện, diễn tập, bồi dưỡng kiến thức phòng thủ dân sự cho lực lượng phòng thủ dân sự trên lĩnh vực được phân công;
- Hướng dẫn xây dựng các công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng gắn với thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ;
- Tổ chức nghiên cứu, phổ biến, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến và hiện đại về phòng thủ dân sự;
- Thực hiện hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự;
- Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, khen thưởng về phòng thủ dân sự thuộc phạm vi quản lý.
3. Trách nhiệm của Bộ Công an về phòng thủ dân sự
Tại Điều 44 Luật Phòng thủ dân sự 2023 thì Bộ Công an có trách nhiệm về phòng thủ dân sự như sau:
- Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự thuộc lĩnh vực quản lý.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, khu vực xảy ra sự cố, thảm họa.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch cấp quốc gia ứng phó sự cố cháy lớn; ứng phó sự cố an ninh mạng.
- Xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự trong Công an nhân dân; phối hợp tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó sự cố, thảm họa, tìm kiếm, cứu nạn theo quy định.
- Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, huấn luyện, diễn tập, bồi dưỡng kiến thức phòng thủ dân sự cho lực lượng phòng thủ dân sự trong lĩnh vực được phân công.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương đấu tranh với hoạt động lợi dụng sự cố, thảm họa để gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự theo Luật Phòng thủ dân sự 2023 đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho xã hội trước các mối đe dọa từ thiên tai, sự cố và thảm họa.Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cùng các cơ quan địa phương đều có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự xã hội. Điều này góp phần tăng cường khả năng phòng thủ và ứng phó kịp thời, hiệu quả trước các tình huống khẩn cấp, đảm bảo an toàn cho đời sống và tài sản của người dân.