Tình huống đặt ra: Tôi đang kinh doanh nhà hàng sắp tới có đợt kiểm tra của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, xin cho hỏi nội dung kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ sở dịch vụ ăn uống là những gì?
Theo Khoản 2 Điều 6 Thông tư 48/2015/TT-BYT có quy định về nội dung kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố như sau:
“Điều 6. Nội dung kiểm tra
[…]
2. Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố:
a) Kiểm tra hồ sơ hành chính, pháp lý của cơ sở: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với cơ sở thuộc diện cấp giấy), Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm. Giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
b) Kiểm tra hồ sơ, tài liệu và chấp hành của chủ cơ sở về điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ; người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quy trình sản xuất, chế biến; thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm của nhân viên; vận chuyển và bảo quản thực phẩm; nguồn nước; nguồn gốc xuất xứ đối với thực phẩm và nguyên liệu dùng để sản xuất, chế biến thực phẩm; lưu mẫu; các quy định khác có liên quan;
c) Lấy mẫu thức ăn, nguyên liệu thực phẩm để kiểm nghiệm trong trường hợp cần thiết. [...]”
Theo đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được quy định là cơ sở chế biến thức ăn bao gồm cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, nhà hàng ăn uống, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng-tin và bếp ăn tập thể. (Khoản 5 Điều 2 Thông tư 48/2015/TT-BYT)
=> Theo đó, nhà hàng là một trong những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nói chung. Những nội dung kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm của Cơ quan chức năng đối với nhà theo quy định nêu trên.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm căn cứ để kiểm tra theo quy định tại Điều 5 Thông tư 48/2015/TT-BYT như sau:
“Điều 5. Căn cứ để kiểm tra
1. Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm thực phẩm; quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh thực phẩm và sản phẩm thực phẩm.
2. Các tiêu chuẩn có liên quan đến an toàn thực phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng đối với sản xuất, kinh doanh thực phẩm và sản phẩm thực phẩm.
3. Các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.
4. Các quy định về quảng cáo, ghi nhãn đối với thực phẩm.
5. Các quy định về kiểm nghiệm thực phẩm.
6. Các quy định khác của pháp luật về an toàn thực phẩm.”