Nội dung chi và mức chi bảo đảm cho hoạt động trợ giúp pháp lý

Chủ đề   RSS   
  • #607377 08/12/2023

    beryahh

    Sơ sinh

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:03/12/2023
    Tổng số bài viết (86)
    Số điểm: 490
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 3 lần


    Nội dung chi và mức chi bảo đảm cho hoạt động trợ giúp pháp lý

    Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật (Theo Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý 2017).

    1. Nội dung chi hoạt động trợ giúp pháp lý

    Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 59/2020/TT-BTC thì nội dung chi cho hoạt động trợ giúp pháp lý bao gồm:

    - Các khoản chi thanh toán cho cá nhân: Tiền lương, tiền công, phụ cấp, các khoản đóng góp theo

    lương theo quy định hiện hành; các khoản chi theo chế độ của cán bộ công chức, viên chức quy định tại Nghị định 144/2017/NĐ-CP và các khoản thanh toán khác cho cá nhân theo quy định của pháp luật.

    - Chi thanh toán dịch vụ công cộng; vật tư văn phòng; thông tin, liên lạc; sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên tài sản, trang thiết bị của đơn vị; mua sắm, thay thế trang thiết bị, phương tiện làm việc của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định; chi mua sách, báo, tài liệu phục vụ công tác trợ giúp pháp lý; chi thuê mướn (nếu có).

    - Chi hội nghị sơ kết, tổng kết; tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn; chi khen thưởng; chi đi công tác trong nước, chi các đoàn đi công tác nước ngoài và các khoản chi thường xuyên khác phục vụ hoạt động của cơ quan trợ giúp pháp lý nhà nước.

    - Các khoản chi khác liên quan đến nghiệp vụ trợ giúp pháp lý được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư 59/2020/TT-BTC.

    2. Mức chi cho hoạt động trợ giúp pháp lý

    Đối với các chế độ, tiêu chuẩn, mức chi đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành, cơ quan trợ giúp pháp lý của nhà nước thực hiện theo đúng chế độ, định mức chi hiện hành của nhà nước.

    Ngoài các trường hợp nêu trên thì Điều 4 Thông tư 59/2020/TT-BTC quy định thêm các mức chi cho hoạt động trợ giúp pháp lý như sau:

    - Chi truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý:

    + Chi hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo chí); chi làm mới, sửa chữa băng rôn, pa nô, áp phích tuyên truyền về hoạt động trợ giúp pháp lý;

    + Chi tổ chức các buổi tuyên truyền về nội dung, hoạt động trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, bao gồm: Chi nước uống, tài liệu phục vụ buổi tuyên truyền, chi công tác phí của báo cáo viên, chi thuê loa, đài, hội trường (nếu có).

    - Chi dịch thuật từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và ngược lại phục vụ hoạt động trợ giúp pháp lý: Áp dụng mức chi biên dịch và chi dịch nói thông thường theo quy định tại Thông tư 71/2018/TT-BTC.

    - Chi phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc thiểu số và ngược lại phục vụ hoạt động trợ giúp pháp lý; chi phiên dịch về ngôn ngữ trong trường hợp cần thiết khi người được trợ giúp pháp lý là người khuyết tật nghe, nói: Mức thuê phiên dịch áp dụng bằng mức thuê người dẫn đường kiêm phiên dịch tiếng dân tộc quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC.

    - Chi ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác trợ giúp pháp lý: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP.

    - Chi tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý; chi biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý: Thực hiện theo nội dung và mức chi tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC.

    - Chi thực hiện việc kiểm tra, đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý: Thực hiện theo chế độ công tác phí theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.

    - Chi lấy ý kiến luật sư có kinh nghiệm, chuyên gia pháp luật độc lập với cơ quan có thẩm quyền đánh giá vụ việc trợ giúp pháp lý và cơ quan thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý tại điểm i Khoản 4 Điều 3 Thông tư 59/2020/TT-BTC: Mức chi tối đa 300 nghìn đồng/vụ việc và sử dụng trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao.

    - Chi nộp phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và các chi phí hành chính khác phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện trợ giúp pháp lý: Căn cứ biên lai thu phí, hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp theo quy định hiện hành.

    Nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật Trợ giúp pháp lý 2017.

    Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và được tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan.

     
    76 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận